15 triệu, ngàn tỷ và con số… không

Ngày 26/5 sau hơn nửa năm kể từ khi sự vụ xảy ra, “nguồn” phát ra thông tin vụ “nước mắm bẩn”, VINASTAS chính thức bị Bộ Công Thương ra quyết định xử phạt với mức… 15.000.000 đồng. Tất nhiên, không ai
15 triệu, ngàn tỷ và con số… không

15 triệu và… ngàn tỷ đồng

Nếu so sánh 15 triệu đồng tiền phạt đối với đơn vị phải chịu trách nhiệm gây ra cơn bão “nước mắm arsen” là VINASTAS, với hàng trăm tỷ đồng thiệt hại mà các cơ sở nước mắm truyền thống phải gánh chịu, và trị giá hàng ngàn tỷ đồng của thị trường nước mắm hấp dẫn, sẽ thấy sự mỉa mai của con số 15 triệu đồng ấy.

Cho tới giờ, nhóm các Hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về mức phạt của Bộ Công thương giành cho VINASTAS, tuy nhiên đại diện các doanh nghiệp nước mắm truyền thống đều bất bình về mức phạt “như cổ vũ” này. Ông Lê Ngọc Anh, chủ cơ sở nước mắm Lê Gia (Thanh Hóa) bức xúc “Nếu so sánh mức phạt và mức thiệt hại mà những doanh nghiệp nước mắm truyền thống chúng tôi phải chịu thì… không thể so sánh được”.

Mức phạt ấy sẽ tạo ra một tiền lệ rất không tốt. Vì người ta sẽ sẵn sàng công bố thông tin không chính xác để nói xấu đối thủ, giành thị trường rồi sau đó… chịu phạt”, ông Lê Ngọc Anh nhận xét.

Cùng quan điểm với ông Lê Ngọc Anh, một chủ cơ sở sản xuất nước mắm tại Nam Định cũng “không thể chấp nhận được mức phạt như đùa ấy”. Theo ông này, ngoài việc cần xem xét lại mức phạt đối với VINASTAS thì cũng phải tìm “đúng người, đúng tội” để xử lý như đề nghị của nhóm các hiệp hội gồm Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hội nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã gửi lên Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2016, đề nghị Chính phủ làm rõ đơn vị chủ trì việc tài trợ cho Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy để tiến hành các hoạt động vừa qua dẫn đến sự cố “nước mắm truyền thống nhiễm asen”.

15 triệu và con số không

“Thực tế đây là mức phạt cao nhất được đưa ra sau khi tất cả các Bộ liên quan: Tư Pháp, Khoa học Công nghệ, Y tế, Công thương nghiên cứu, xem xét tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, một cán bộ của Bộ Công thương chia sẻ với PV khi được hỏi về mức phạt khó tin này.

Theo đó, một “hội đồng” liên ngành gồm đại diện các Bộ đã phải họp, làm việc để tìm cơ sở đưa ra mức xử phạt đối với VINASTAS. Tuy nhiên, điều đáng nói là “hành vi đã có quy định cấm trong Luật báo vệ người tiêu dùng, nhưng các Nghị định chi tiết lại không hề có chế tài phạt đối với hành vi này”. Các Nghị định liên quan như Nghị định 185/2013, về hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; Nghị định 180/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đều đã được xem xét một cách kỹ lưỡng nhưng đều không thểáp dụng với trường hợp VINASTAS...

Chính vì thế, sau khi xem xét kỹ lưỡng,mức phạt tiền đối với VINASTAS là 15 triệu đồng được đưa ra căn cứ theo khoản 2, điều 27 và khoản 3, khoản 4, điều 4 Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đồng thời, VINASTAS bị buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm theo khoản 3, điều 27 Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ.

Quyết định phạt đã được xem xét kỹ và đưa ra sau khi nghiên cứu các cơ sở pháp luật cụ thể. Chúng tôi làm việc một cách công tâm, và quan trọng nhất là trên cơ sở pháp luật chứ không thể đưa ra mức phạt một cách tùy tiện” đại diện Bộ Công thương cho biết.

Bình luận về mức xử phạt trên, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng mức xử phạt phải được căn cứ theo các quy định sẵn có. Nếu quy định chưa phù hợp, có thể đề xuất sửa đổi để tránh xảy ra tình trạng xử phạt đáng ra phải nặng thì thành nhẹ. "Xử phạt hành chính là việc của Nhà nước. Tất nhiên, Nhà nước xử phạt thì phải đúng. Nếu quy định tối đa có bao nhiêu đó thôi thì cũng không xử lý nặng hơn được. Nhưng nếu hành vi đáng xử lý hình sự thì phải căn cứ trên đơn tố giác gửi các cơ quan điều tra xem xét" - ông Nghĩa nói.

Khi luật không theo kịp đời

15 triệu, ngàn tỷ và con số… không ảnh 1

Có lẽ, ông Nghĩa là người trong nghề nên hiểu rõ nhất cái khó của các cơ quan chức năng trong việc quyết định xử phạt VINASTAS. Họ bắt buộc phải làm theo luật định, tuy nhiên chế tài thì lại không theo kịp với thực tế nên dù “biết trước là khi công bố quyết định sẽ gặp phải phản ứng của dư luận” nhưng các cơ quan chức năng cũng khó có cách nào khả dĩ hơn.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là đây không phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng lâm vào cảnh “múa tay trong bị” này. 10 năm trước, một vụ việc tương tự liên quan tới nước tương và chất 3-MCPD cũng đã xảy ra. Chỉ bằng một thông tin nước tương truyền thống nhiễm chất 3MCPD có nguy cơ gây ung thư, người ta đã khiến các doanh nghiệp sản xuất nước tương gần như phá sản. Thật “tình cờ” là ngay sau đó một loại nước tương sạch không chứa 3-MCPD ra đời. Loại này bán tràn ngập. Đồng loạt quảng cáo. Chiếm lĩnh thị trường. Và trong vụ 3-MCPD, cũng không có cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của các doanh nghiệp nước tương truyền thống. Chỉ có một doanh nghiệp “nhanh chân” tung ra loại nước tương không 3-MCPD ung dung hưởng lợi.

Nhắc lại để thấy, cùng một kiểu tung tin để gây hại cho các doanh nghiệp, trong khi cách thức và chiêu thức của những đơn vị hưởng lợi đã tinh vi hơn rất nhiều, thì đáng buồn là những người làm luật, đáng ra phải lường được các tình huống, lại gần như không có thay đổi để đưa ra chế tài ngăn chặn. Và với tình trạng này, khi mà các chiêu thức cạnh tranh “tiến hóa” ngày một tinh vi hơn, không ai có thể chắc rằng sau nước mắm sẽ là những ngành hàng truyền thống nào sẽ là nạn nhân tiếp theo?

Thái Duy

Có thể bạn quan tâm