3 đặc khu ngốn triệu tỷ đồng: Bài toán lợi ích-chi phí

Chuyên gia lo ngại, đầu tư cả triệu tỷ đồng cho đặc khu có thể làm nên gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế.
3 đặc khu ngốn triệu tỷ đồng: Bài toán lợi ích-chi phí

Đặc khu Vân Đồn cần 270.000 tỷ đồng để đầu tư

Theo bản thẩm định đề án Bộ Tài chính gửi các Bộ, 1,57 triệu tỷ đồng là tổng số vốn dự kiến cần huy động để đầu tư cho 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Cơ cấu của 1.570.000 tỷ đồng này như sau: 270.000 tỷ dành cho đặc khu Vân Đồn trong giai đoạn 2018 - 2030, trong đó tỷ lệ vốn trong nước và nước ngoài là 50 - 50. Tiếp đến, 400.000 tỷ đồng dành cho đặc khu Bắc Vân Phong trong giai đoạn 2019 - 2025.

Cuối cùng, cao nhất - 900.000 tỷ đồng - trong giai đoạn 2016 - 2030, để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu sầm uất, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, vốn nước ngoài khoảng 41%.

Với số tiền đầu tư rất lớn, TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, việc huy động nguồn lực lớn vào phát triển 3 đặc khu kinh tế phải tính đến hiệu quả đầu tư. Bởi vốn đầu tư hàng chục tỷ USD có thể làm nên gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế, liệu lợi ích đặc khu mang lại có lớn hơn chi phí bỏ ra hay không, cần cân nhắc.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Du đặt vấn đề đầu tư vào khu vực Hà Nội, TP.HCM để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao khả năng đổi mới, sáng tạo có thể hiệu quả hơn. Bối cảnh hiện nay cần tạo ra các đô thị cạnh tranh quốc tế, nơi tập trung người giỏi, người giàu...

Nếu đặt mục tiêu thu hút những doanh nghiệp quốc tế, ông Du vẫn cho rằng khu phía đông TP.HCM gồm vùng Thủ Thiêm, quận 9, quận 2 sẽ là một đặc khu hiệu quả hơn. Lưu ý cần cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích và chi phí, ông Du cho rằng mức độ sẵn sàng trong phát triển các đặc khu cần được tính đến.

Theo ông Du, đặc khu Phú Quốc có thể phát triển cụm ngành du lịch, đặc khu Vân Đồn nếu có chiến lược quyết liệt phát triển gắn với nền kinh tế Trung Quốc sẽ có cơ hội lớn. Còn đặc khu Bắc Vân Phong, theo ông Du, đến nay chưa rõ chỗ dựa phát triển và nền tảng cho thành công...

Cùng nghi ngại, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chưa tin ba đặc khu sẽ phát triển thành công các ngành công nghệ cao, bởi Hà Nội và TP.HCM có khả năng tốt nhất nhưng vẫn không làm được.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại dẫn chứng khi Samsung quyết định đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển tại Hà Nội quy mô khoảng 3.200 kỹ sư, UBND TP Hà Nội định cấp đất tại Đông Anh, rồi Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Samsung đều không đồng ý. Lý do là những kỹ sư công nghệ cao chỉ thích hợp làm việc tại khu vực trung tâm Hà Nội.

Ở một khía cạnh khác, chưa tính đến hiệu quả đầu tư và làm thế nào để huy động được số vốn khổng lồ như vậy, vấn đề cân đối thu chi với Bộ Tài chính cũng là chuyện đau đầu, bởi các tỉnh đều đồng loạt xin cơ chế riêng.

Với đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề xuất giữ lại 100% số thu ngân sách tại đây đến năm 2030. Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu phát triển đặc khu, tỉnh này còn xin giữ lại 25% số thu nội địa của cả tỉnh - tương ứng khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Tương tự, tỉnh Khánh Hòa cũng xin cơ chế ưu đãi để lại 100% số thu nội địa và thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn Bắc Vân Phong.

Cũng trên báo Tuổi trẻ, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Bộ Tài chính không nên vì lo ngại thất thu ngân sách mà "bác" yêu cầu của các tỉnh. Song điều đó cũng không có nghĩa Nhà nước sẽ đáp ứng các yêu cầu này một cách vô điều kiện và bằng mọi giá.

"Theo tôi, phải căn cứ vào kỳ vọng của mỗi đặc khu xem nó phát triển thế nào để có mức đầu tư và ưu tiên hợp lý. Sau đó Trung ương sẽ đầu tư cho đặc khu những khoản gì, ở chỗ nào?

Chúng ta cần nhấn mạnh thêm rằng mục tiêu lập đặc khu là để thu hút các nhà đầu tư đàng hoàng, có trình độ cao.

Tuy nhiên, cách chúng ta kéo họ đến hiện nay chủ yếu nhấn mạnh vào ưu tiên ưu đãi thuế, tăng quyền sử dụng đất, ưu tiên này, ưu tiên kia. Trong khi đó, thể chế vượt trội cao, hình mẫu thể chế tốt nhất lại thận trọng, dè dặt.

Tôi cho rằng đặc khu trong thời đại ngày nay phải đặc biệt chú trọng ưu tiên thể chế vượt trội, chứ không phải chỉ chú trọng ưu tiên ưu đãi. Như thế mới có nhà đầu tư tốt. Theo lối xin ưu tiên, ưu đãi, chúng ta vô tình đi vào lối mòn xin - cho", TS Trần Đình Thiên nói.

Rõ ràng, còn rất nhiều điều phải cân nhắc trước đề án xây dựng 3 đặc khu kinh tế. Khó tạo ra cú huých khi không có cơ chế đặc thù, nhưng nếu không tính toán chính xác tính hiệu quả và cân đối tổng thể thì có thể tạo ra một gánh nặng với nền kinh tế. 

Theo Đất Việt

Có thể bạn quan tâm