4,35 tỷ USD thoái vốn Nhà nước và lời hứa của Chính phủ

Theo ước tính, mức thoái vốn của Chính phủ tại các DNNN trong giai đoạn từ nay đến 2020 khoảng 4,35 tỷ USD, và để thị trường hấp thụ được nguồn cung khổng lồ này, nhất thiết cần có sự tham gia của nhà
4,35 tỷ USD thoái vốn Nhà nước và lời hứa của Chính phủ

So sánh mức tăng 1 năm qua của VN-Index (xanh lá cây) so với các nước (TPX: Chỉ số chứng khoán Tokyo; SET: TTCK Thái Lan; PSE: TTCK Philippines)

Năm nay là một năm đại thắng của các quỹ đầu tư tại TTCK Việt Nam. Tính đến ngày 18/9/2017, Vn-Index tăng 21,5% cao hơn hẳn các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines.

Chưa khi nào sóng trên thị trường lại dài đến vậy. Các trụ cột của thị trường chia nhau nâng đỡ Index, từ dòng ngân hàng, chứng khoán, sóng thép, sóng bất động sản…lớp lớp cổ phiếu tăng điểm với thanh khoản bình quân tăng 60% cùng kỳ năm trước đã mang lại lợi nhuận không nhỏ cho nhà đầu tư.

Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited – VEIL trực thuộc quỹ Dragon Capital công bố con số giật mình: chỉ trong 9 tháng quỹ này có mức tăng trưởng 29,25%, đưa giá trị tài sản ròng từ dưới 1 tỷ USD vào cuối năm 2016 lên mức hơn 1,250 tỷ USD vào tháng 9/2017, con số cập nhật mới nhất đến thời điểm này là đạt mức 30%. Và nếu so với cùng kỳ năm trước, NAV của VEIL đã tăng hơn 40%. Tức là nếu tính ra tiền Việt, VEIL đã thu lãi hơn 6.000 tỷ đồng trong 9 tháng vừa qua.

Lời hứa của Chính phủ

Quá nhiều lí do để lí giải cho đà tăng của Vn-Index. Đầu tiên, thị trường tăng điểm một phần nhờ sự nâng đỡ từ dòng vốn ngoại, tính đến thời điểm hiện tại khối ngoại mua ròng gần 13.300 tỷ trên sàn Hose (tương đương hơn 588 triệu USD),sàn HNX từ đầu năm khối ngoại bán ròng 14 triệu cổ phiếu, nhưng xét về giá trị vẫn mua ròng 24 tỷ đồng.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng năm 2017 tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016 tạo dư địa cho Chính phủ quyết tâm hạ mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn nữa. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Với những tín hiệu tích cực, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đã đề ra.

Tuy nhiên, động lực lớn nhất với TTCK có lẽ đến từ thông điệp của Chính phủ: “Chúng tôi sẽ hoàn toàn minh bạch”.

Câu nói truyền cảm hứng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong ngày ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh: “Nhà đầu tư hãy tin ở chúng tôi, tin ở Chính phủ” đã truyền lửa cho thị trường và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm nay TTCK Việt Nam đã ra mắt thị trường phái sinh, nhà đầu tư đã có cơ chế phòng ngừa rủi ro khi thị trường đảo chiều.

Chính phủ cũng đã công bố danh sách đầy đủ kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước cho giai đoạn 2017-2020 với nhiều cái tên đáng chú ý như Mobifone, VEAM, Petrolimex, ACV,.. cũng như lộ trình thoái vốn tại một số “con gà đẻ trứng vàng” như Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) hay các Tổng công ty Bia rượu – Nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội.

Danh mục thoái vốn Nhà nước từ nay đến 2020 (nguồn: SSI Research)

Theo ước tính, mức thoái vốn của Chính phủ tại các DNNN trong giai đoạn từ nay đến 2020 khoảng 4,35 tỷ USD, và để thị trường hấp thụ được nguồn cung khổng lồ này, nhất thiết cần có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, đại diện Bộ Tài chính đã chia sẻ: “Chính phủ Việt Nam muốn đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo nguyên tắc thị trường công khai minh bạch, đảm bảo cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận thông tin rõ ràng. Sắp tới đây các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng sẽ phải công bố thông tin như doanh nghiệp niêm yết.”

Sẽ có nhiều sự thay đổi đáng kể trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh thoái vốn nhà nước. Một là đối với các doanh nghiệp Nhà nước cần nắm quyền chi phối mới cần cổ đông chiến lược, còn lại sẽ bán hết ra thị trường tùy theo sức mua của nhà đầu tư. Trong trường hợp chọn NĐT chiến lược, sẽ có thể quy định cổ đông chiến lược mua tối thiểu đến 30% hoặc 49% với những ưu đãi nhất định và có các điều kiện ràng buộc.

Thứ hai, là các thông tin về doanh nghiệp đều công khai minh bạch và có bản tiếng Anh, website của Bộ Tài chính cũng công bố danh mục các tài liệu cho nhà đầu tư dễ dàng tra cứu.

Thứ ba, việc tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được mở rộng mời các tư vấn quốc tế, giảm bớt các điều kiện và không khống chế giá trị phương án tư vấn và không tạo áp lực cho kinh phí tư vấn, tạo điều kiện cho công ty tư vấn theo các phương pháp khác nhau. Về phương pháp bán, ngoài việc đấu giá và bảo lãnh phát hành, Bộ tài chính đang phối hợp với UBCK sớm đưa ra phương án bán theo hướng dựng sổ, theo hướng tôn trọng thỏa thuận giữa các bên…

Như vậy, Chính phủ đã sẵn sàng lắng nghe và sửa đổi cơ chế cho phù hợp để cùng đồng hành với doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến trình thoái vốn nhà nước.

Gateway to Vietnam

Với chủ trương của Chính phủ thay vì huy động và phân bổ nguồn lực, Chính phủ chỉ định hướng để các doanh nghiệp chủ động huy động nguồn lực, nền Kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực mang tính bền vững.

Trong 3 ngày cuối tháng 10 – 25, 26, 27 tháng 10 tại thành phố Hồ Chí Minh, SSI tiếp tục tổ chức Hội nghị “Gateway to Vietnam 2017” với chủ đề “Thị trường Vốn – Động lực tăng trưởng mới của nền Kinh tế” với nhìn nhận thị trường vốn sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng nhất của nền kinh tế.

“Gateway to Vietnam” là hội nghị Quốc tế do SSI tổ chức được giới thiệu lần đầu tiên năm 2009, đã trở thành một cầu nối tin cậy giữa các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước với những doanh nghiệp trong nước, là diễn đàn xúc tiến đầu tư hiệu quả của thị trường tài chính

Với sự góp mặt của 19 diễn giả có tên tuổi là đại diên các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế như ông Kyle Kelhofer – Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), ông Marco Breu – Giám đốc điều hành McKinsey Vietnam, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam – ông Valentin Laiseca – Phụ trách thị trường Đông Nam Á của tổ chức MSCI, … cùng những công ty tiềm năng hàng đầu, hội thảo sẽ mang tới những tham luận chuyên sâu, có giá trị về tình hình kinh tế Việt Nam song song với việc tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa nhóm nhà đầu tư với đại diện doanh nghiệp tại Việt Nam.

Gateway sẽ là một cơ hội giúp nhà đầu tư quốc tế nhìn về nền kinh tế VN qua một lăng kính chân thật, minh bạch, và đa chiều nhất. Đến thời điểm này, Gateway to Vietnam 2017 đã nhận được sự quan tâm của gần 200 quỹ đầu tư quốc tế, hứa hẹn sẽ là địa điểm để trao đổi, kết nối cho các doanh nghiệp tiềm năng tại thị trường Việt Nam.

Theo Khổng Chiêm/ NDH

>> Hơn 42.700 tỷ đồng tiền Nhà nước có dấu hiệu đầu tư "không hiệu quả"

Có thể bạn quan tâm