5 giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ, pháp lý, nâng cao khả năng bảo mật, nhận thức của người tiêu dùng... là những biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện.
5 giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Chia sẻ tại Hội thảo Ngày không tiền mặt 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong nhiều năm qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã tăng trưởng mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn khi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, tính đến tháng 4/2020, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QRcode tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. 

Đáng chú ý, trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc nhiều người dân thay đổi thói quen thanh toán phải kể đến sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, ngành ngân hàng, các công ty thanh toán với việc triển khai nhiều phương thức mới để tiếp cận người dùng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để tiếp tục phát huy và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn tới, cần triển khai 5 giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng cộng nghệ và đổi mới sáng tạo; trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.

Thứ năm, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm