7 điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2021

Năm 2021 mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, GDP 11 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên 7 điểm sáng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, mặc dù GDP 11 tháng năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên 7 điểm sáng.

Theo đó, thứ nhất, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều gói hỗ trợ được ban hành.

Thứ hai, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 6 năm.

Thứ ba, nông nghiệp duy trì tăng trưởng tích cực, sản xuất công nghiệp phục hồi nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch Covid-19.

Thứ tư, xuất nhập tăng trưởng khá.

Thứ năm, đầu tư nước ngoài phục hồi rõ nét hơn.

Thứ sáu, tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ bảy, chuyển đổi số diễn ra nhanh, góp phần tăng năng suất và giảm tương tác, hỗ trợ phục hồi an toàn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, động lực cho phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021 về phía cung là ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, tài chính, ngân hàng, công nghệ viễn thông, logistic…có sự phát triển.

Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn nổi lên 7 điểm sáng
Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn nổi lên 7 điểm sáng

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động.

Đồng thời, 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Bên cạnh đó phải kể đến một số tín hiệu rất tích cực nữa của kinh tế, đó là: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước; CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Về phía cầu, xuất khẩu tăng vững chắc, đầu tư FDI (tư nhân và đầu tư công) và tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát. Cũng theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, nước ta đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp khi cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD. Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với 26,46 tỷ USD tính từ đầu năm.

Có thể bạn quan tâm