An ninh mạng – Ưu tiên hàng đầu của tương lai

Internet và công nghệ số đang nắm giữ vị trí then chốt đối với đời sống và sự phát triển của thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của xu thế này đã đem đến nhiều rủi ro và nguy hại, đưa an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu trong tương lai.
An ninh mạng – Ưu tiên hàng đầu của tương lai

Tính đến tháng 1/2021, thế giới có 4,66 tỷ người sử dụng Internet, 5,22 tỷ người sử dụng smartphone, chiếm hơn 60% tổng dân số toàn cầu. Số lượng người kết nối và tham gia không gian mạng cũng đang tăng đều hàng năm và đặc biệt là sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên một không gian mạng tự do và rộng mở lại là một mảnh đất “màu mỡ” đối với các hacker, các tập đoàn tội phạm tinh vi và cả những thực thể với ý đồ xấu, khiến những nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt cũng ngày càng lớn.

Đe doạ an ninh quốc gia

Theo thống kê, các cuộc tấn công mạng trên khắp châu Âu tăng 75% vào năm 2020 so với năm trước đó với 756 sự cố an ninh mạng được ghi nhận, chủ yếu nhắm vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, tài chính, năng lượng và các cơ sở hạ tầng khác.

Còn tại Mỹ, nước này đã liên tục cáo buộc các đơn vị tình báo quân đội và tin tặc Nga can thiệp vào hai cuộc bầu cử hồi năm 2016 và mới đây nhất là năm 2020. Sự việc khiến quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới rơi “đóng băng” trong một thời gian dài.

Thiệt hại về kinh tế và tổn hại đời sống cá nhân

Chỉ trong nửa đầu năm nay, các cuộc tấn công mạng quy mô cả lớn cả nhỏ đã và đang lan rộng khắp thế giới. Ngay trong tháng 5 đã xảy ra 2 vụ tấn công lớn nhằm vào Colonial Pipeline - nhà điều hành đường ống dẫn dầu ở Bờ đông nước Mỹ và vụ tấn công vào JBS USA - nhà cung cấp thịt lớn nhất thế giới.

Mỹ xác định nhóm tin tặc Darkside tấn công mạng Colonial Pipeline. Ảnh: TTXVN.
Mỹ xác định nhóm tin tặc Darkside tấn công mạng Colonial Pipeline. Ảnh: TTXVN.
Tập đoàn chế biến thịt JBS phải trả 11 triệu USD tiền bitcoin cho tin tặc. Ảnh: TTXVN.
Tập đoàn chế biến thịt JBS phải trả 11 triệu USD tiền bitcoin cho tin tặc. Ảnh: TTXVN.

Điều đáng lo ngại là các cuộc tấn công gần đây ngày càng táo tợn và gây thiệt hại trên quy mô lớn. Điển hình là vụ tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào công ty công nghệ Mỹ Kaseya đã ảnh hưởng hàng nghìn doanh nghiệp trên khắp thế giới.c

Không chỉ các mục tiêu lớn, tin tặc còn thường xuyên ăn cắp dữ liệu cá nhân bằng công cụ tự động. Như trong năm 2021, dữ liệu cá nhân của hơn 500 nghìn tài khoản người dùng Facebook đã bị phát tán trên Darkweb.

Những điều này cho thấy không chỉ nền kinh tế của thế giới cũng như mỗi quốc gia bị đe doạ mà đời sống cá nhân của mỗi người cũng dễ bị xâm phạm và tổn hại không nhỏ.

Tin giả, tin sai lệch tràn lan mạng xã hội 

Dù tin giả đã tồn tại từ lâu, nhưng ở thời hiện đại nó được tiếp sức bởi tính không biên giới của không gian mạng.

Mới đây, tin vào thuyết âm mưu cho rằng các cột viễn thông di động 5G là nguyên nhân gây ra sự lây lan COVID-19, nhiều đối tượng tại Anh đã phóng hoả cột tiếp mạng 5G gây gián đoạn kết nối tại thời điểm mà mọi người đang cần tới mạng Internet hơn bao giờ hết.

Cột phát sóng 5G tại Anh bị đốt vì tin giả. Ảnh: Internet.
Cột phát sóng 5G tại Anh bị đốt vì tin giả. Ảnh: Internet.

Hàng loạt các mạng xã hội cũng đã quyết định khoá và cấm vĩnh viễn tài khoản của Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông này đưa ra những tuyên bố sai lệch, gây hiểu lầm về chính trị và kích động cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1. Không gian mạng một lần nữa lại chứng minh sức ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng của mình đối với an ninh của một quốc gia, mà ở đây là thành trì vững chãi hàng đầu thế giới là Mỹ.

FBI đẩy mạnh điều tra vụ bạo loạn đồi Capitol (Mỹ). Ảnh: TTXVN.
FBI đẩy mạnh điều tra vụ bạo loạn đồi Capitol (Mỹ). Ảnh: TTXVN.

Nỗ lực ứng phó với các nguy cơ

Trong bối cảnh trên, việc tăng cường hợp tác và phối hợp hành động trong các chiến lược an ninh mạng đang ngày càng trở thành một hướng đi rõ rệt hơn trong nỗ lực ứng phó với các nguy cơ mạng, cả ở cấp độ quốc gia, khu vực và liên khu vực.

Ngày 5/8, Mỹ cho biết các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã tham gia vào Trung tâm hợp tác bảo vệ an ninh mạng (JCDC) - chương trình hợp tác giữa Chính phủ nước này và khu vực tư nhân nhằm ngăn chặn các vụ tấn công mạng.

Một ví dụ khác đó là Hàn Quốc cùng với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã tổ chức Hội nghị Liên khu vực lần thứ 3 về an ninh mạng/công nghệ thông tin-truyền thông hồi tháng 6, tìm hiểu các cách thức hợp tác liên khu vực trong các nội dung này.

Ngay tại Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có buổi hội đàm trực tuyến với bà Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin kiêm phụ trách An ninh mạng của Singapore. Hai bên nhất trí duy trì, mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh mạng, khắc phục sự cố; nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn cho người sử dụng…

Việt Nam và Singapore nhất trí tăng cường hợp tác an ninh mạng. Ảnh: TTXVN.
Việt Nam và Singapore nhất trí tăng cường hợp tác an ninh mạng. Ảnh: TTXVN.

Thực tế cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của Internet trên tất cả các lĩnh vực, không gian mạng đã và đang trở thành vùng lãnh thổ mới, một mặt trận mới của thế giới trong tương lai. Vì thế, một chiến lược an ninh mạng hiệu quả sẽ bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của mỗi quốc gia.

Có thể bạn quan tâm