Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế thu hồi gần 4.300 tỷ đồng từ các trường hợp “chây ỳ”

Trong bối cảnh tình hình nợ đọng thuế diễn biến phức tạp, ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, cưỡng chế để thu hồi nợ thuế…

Tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế là biện pháp hữu hiệu trong quản lý thuế

Trong dự thảo Nghị định mới nhất, Bộ Tài chính đã nâng mức đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên, sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Đây là thông tin được ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Tài chính cho biết tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật vừa được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua. Ông Sơn cũng nhấn mạnh, mức đề xuất áp dụng biện pháp cưỡng chế với người nợ thuế trong dự thảo mới đã tăng lên 40 triệu so với dự thảo được Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu tháng 12.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, toàn quốc còn khoảng 81.000 cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng. Mức này, theo ông Sơn tương đương với nhiều nước và theo kinh nghiệm quốc tế là phù hợp. Ông cũng khẳng định, tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế “là biện pháp hữu hiện trong quản lý thuế”. Biện pháp này để đảm bảo người dân và chủ hộ kinh doanh thực hiện quyền và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

"Chúng tôi thấy với mức đang dự kiến trình Chính phủ thì với số lượng và theo kinh nghiệm quốc tế được khảo sát thì mức 50 triệu đồng là phù hợp. Số lượng tác động và để cưỡng chế, cấm xuất cảnh thì nâng từ 90 lên 120 ngày. Đồng thời, trong 120 ngày đó vẫn phải qua các bước như luật quy định thì mới tiến hành cưỡng chế", ông Sơn nêu rõ.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ (tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, thu qua hóa đơn...) đối với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Thống kê đến nay, ngành thuế đã ban hành hơn 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng tiền nợ 80.512 tỷ đồng được cơ quan thuế phát ra.

Số tiền đã thu hồi được khoảng 4.289 tỷ đồng của gần 6.500 người nợ thuế trong năm nay. Tính chung cả năm, số thu nợ thuế qua tạm hoãn xuất cảnh gấp gần 5 lần so với con số công bố giữa năm nay.

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

Dự thảo nghị định của Bộ Tài chính cho biết, biện pháp cấm xuất cảnh sẽ được áp dụng ngay với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký. Tức là, việc áp dụng sẽ không cần theo ngưỡng quy định. Việc này nhằm thu hồi được nợ thuế vào ngân sách nhà nước.

Hiện nay, trước khi áp dụng, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc như nhắc nhở, gửi thông báo, quyết định cưỡng chế. Việc cấm xuất cảnh chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp này không hiệu quả. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng chây ỳ, trốn thuế, đặc biệt là các khoản nợ lớn, kéo dài. Tuy nhiên, cần có ngưỡng nợ thuế hợp lý và cơ chế cho phép nộp thuế ngay tại cửa khẩu để tránh gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh chính đáng. Việc thực thi cần minh bạch, tránh lạm dụng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế.

Có thể bạn quan tâm