Áp lực lên thị trường ngoại hối có thể tăng

Tỷ giá đô la Mỹ với tiền đồng đã được kiểm soát khá tốt kể từ đầu năm đến nay, dù chịu nhiều áp lực từ các điều kiện nội tại. Dù vậy, những áp lực lên thị trường ngoại hối có thể tiếp tục tăng lên tro
Áp lực lên thị trường ngoại hối có thể tăng

Diễn biến ổn định kể từ đầu năm đến nay

So với cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng chỉ mới tăng gần 1,3%, trong khi tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cao hơn, ở mức 1,9%. Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã có ba lần nâng giá mua vào đô la Mỹ, nhờ vậy cơ quan này đã nâng dự trữ ngoại hối thêm một tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch niêm yết tại các ngân hàng và trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm nay, cụ thể tỷ giá trên thị trường phi chính thức giảm đến 1,5% so với đầu năm.

Diễn biến đồng đô la Mỹ sụt giảm mạnh trên thị trường quốc tế là một trong những yếu tố giúp thị trường ngoại hối trong nước không chịu quá nhiều áp lực, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần tăng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ. Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh đồng bạc xanh này với các ngoại tệ chủ chốt khác đến thời điểm hiện nay đã giảm hơn 9% so với đầu năm, thậm chí có thời điểm rớt về vùng 93, mức thấp nhất trong 15 tháng qua.

Trong khi đó, dòng vốn tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục dịch chuyển từ đô la Mỹ sang tiền đồng cũng giúp tăng lượng cung đô la Mỹ cho thị trường. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài cũng tăng mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm năm nay, có 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,1 tỉ đô la Mỹ.

Áp lực trong những tháng cuối năm

Dù vậy, có thể thấy những áp lực lên thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm. Thứ nhất là khả năng đồng đô la Mỹ có thể tăng trở lại trên thị trường quốc tế trong thời gian tới, nhất là khi Fed sẽ bắt đầu thu hẹp cung tiền từ tháng 9 tới thông qua lộ trình bán ra các trái phiếu đã mua vào trong giai đoạn khủng hoảng trước đây, cũng như thêm một lần tăng lãi suất có thể diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 12 tới. Rõ ràng đồng đô la Mỹ đã giảm khá mạnh kể từ đầu năm đến nay, nên một đợt phục hồi tăng trở lại là rất dễ xảy ra.

Thứ hai là cán cân thương mại tiếp tục trong tình trạng thâm hụt. Thống kê cho thấy nhập siêu trong bảy tháng qua là gần 3,1 tỉ đô la Mỹ. Đây là diễn biến không tốt nếu so với con số xuất siêu gần 1,8 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm 2016. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) thì trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao.

Thứ ba, khác với cùng kỳ năm 2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm nay. Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng của UBGSTCQG thì tín dụng ngoại tệ trong sáu tháng đầu năm nay tăng 7,3% so cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ 2016 giảm 3,5%. Tín dụng ngoại tệ tăng cao một phần do nhập siêu tăng cao, phần khác do các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh vay ngoại tệ ngay từ đầu năm. Mà theo Thông tư 31/2016/TT-NHNN thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tất toán các khoản vay ngoại tệ vào cuối năm nay và không được vay lại, do đó cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay là rất đáng chú ý.

Trong khi đó, tuy dòng vốn FDI đăng ký tăng cao so với cùng kỳ (tăng 52%) nhưng dòng vốn FDI giải ngân trong bảy tháng qua chỉ đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ, tăng khiêm tốn 5,8% so với cùng kỳ 2016, thấp hơn nhiều so với mức tăng 15,1% của cùng kỳ 2016 so với cùng kỳ năm 2015. Một nguồn cung ngoại tệ khác cũng bị ảnh hưởng đáng kể là lượng kiều hối năm nay dự kiến tiếp tục sụt giảm. Thống kê cho thấy năm 2015 Việt Nam nhận được 13,2 tỉ đô la Mỹ kiều hối, đến năm 2016, con số này giảm 31,8% - còn 9 tỉ đô la Mỹ và sáu tháng đầu năm nay, riêng TPHCM chỉ nhận được 2,1 tỉ đô la Mỹ. Thông thường lượng kiều hối về TPHCM chiếm 50-55% tổng lượng kiều hối cả nước.

Một diễn biến đáng chú ý khác là hoạt động thoái vốn hàng loạt của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán, cũng như động thái rút vốn của một số cổ đông chiến lược, ngân hàng nước ngoài gần đây. HSBC đăng ký thoái vốn khỏi Techcombank, Standard Chartered Bank cũng đang thoái vốn dần khỏi ACB, còn Commonwealth đã hoàn tất bán lại toàn bộ mảng bán lẻ cho VIB. Dòng tiền rút vốn này cũng cần được lưu ý, nếu nó vẫn ở lại tìm cơ hội đầu tư khác thì không có gì đáng lo, nhưng nếu rút ra khỏi thị trường Việt Nam thì cầu chuyển đổi vốn trở lại sang đô la Mỹ sẽ tăng lên và gây áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, ngày 1-7-2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chấm dứt các khoản cho vay ưu đãi (ODA) với Việt Nam, Việt Nam phải chuyển sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Hiện nay, theo xếp loại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam nằm trong nhóm B và không còn thuộc diện chỉ nhận những khoản vay ưu đãi. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay ngoại tệ, trong khi thời hạn vay có thể bị rút ngắn lại và lãi suất vay sẽ phải chịu mức cao hơn. Yếu tố này sẽ tác động tiêu cực lên nguồn cung ngoại tệ trong nước.

Theo Thụy Lê/TBKTSG

>> 4 lý do thị trường ngoại hối "lặng sóng"

Có thể bạn quan tâm