Bạn đã sẵn sàng cho một “nền kinh tế ít chạm” hay chưa?

Low touch economy, được định hình bởi những quy tắc an toàn vệ sinh cộng đồng, và thói quen giãn cách xã hội, sẽ dần trở thành tương lai của kinh tế toàn cầu.
Bạn đã sẵn sàng cho một “nền kinh tế ít chạm” hay chưa?

Low touch economy - “nền kinh tế ít chạm”, nói một cách đơn giản có nghĩa là sự hạn chế tiếp xúc vật lý giữa DN và khách hàng, giảm thiểu sự kiện tụ tập đông người, hướng đến những hoạt động kinh doanh trực tuyến…

Điều này đồng nghĩa với việc, DN sẽ phải sẵn sàng để điều hướng bộ máy trước những dư chấn kinh tế và chuẩn bị để có thể đón nhận đổi mới trong một môi trường đòi hỏi sự linh hoạt. 

Tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ rất khác biệt đối với từng DN. Một số có thể may mắn đón đầu xu hướng và vượt lên, hoặc dần quay về với nhịp độ trước đây, nhưng cũng sẽ có những lĩnh vực, trong đó phải kể đến như du lịch và giải trí công cộng sẽ phải chấp nhận những chuyển biến khá chậm chạp cho đến vài năm tới vì quy định hạn chế tụ họp cũng như giảm sút nhu cầu về du lịch. 

Rất nhiều công ty đã chứng kiến “cú sốc kinh tế” dẫn đến phá sản và thua lỗ, nhưng cũng có những đơn vị thấy được “tia sáng bạc” mang đến kết quả tích cực. Ba lĩnh vực được đánh giá là phát triển tốt nhất giữa thời điểm đại dịch hiện nay đó là những DN làm việc trên nền tảng kết nối kỹ thuật số (như TikTok, Zoom), nền tảng thương mại điện tử (như Amazon, Shopify) và các thương hiệu cung cấp hướng dẫn làm việc, học tập, tập luyện tại nhà (như Peleton). 

Theo quan điểm của các chuyên gia, có hai rào cản chính dã đẩy các DN rơi vào bế tắc kinh doanh trong thời điểm đại dịch:

Giao tiếp trực tiếp với khách hàng bị cản trở: Đây là một nguyên nhân chính khiến nhiều nhà bán lẻ hoặc mô hình kinh doanh bán lẻ truyền thống phải phá sản - khi các điểm bán hàng (không thiết yếu) không thể mở cửa để tương tác trực tiếp với khách. Giải pháp tốt nhất đối với những thách thức này chính là việc theo đuổi các tuỳ chọn kỹ thuật số như khai thác nền tảng thương mại điện tử, cung cấp chatbot, mang đến trải nghiệm video và âm thanh… hoặc chuyển sang một số dịch vụ riêng tư hơn dựa trên những cuộc hẹn đặt lịch từng người hoặc lái xe qua để nhận đồ … 

Sự suy giảm đột ngột về nhu cầu: Cuộc khủng hoảng về sức khoẻ, kinh tế đã đẩy nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, khách hàng ưu tiên những sản phẩm, dịch vụ có độ an toàn cao lên trên hết. Do đó, việc điều chỉnh và thay đổi sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với nhu cầu và xu hướng của xã hội là điểm mấu chốt mà các DN cần cân nhắc. 

Bạn đã sẵn sàng cho một “nền kinh tế ít chạm” hay chưa? ảnh 1

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực, vẫn có một số xu hướng mới được nổi lên cho thấy cơ hội kinh doanh có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Ví dụ, các phương pháp thanh toán điện tử được khuyến khích sử dụng để thay thế tiền mặt, thúc đẩy thói quen sử dụng thẻ và thanh toán trực tuyến, góp phần giảm thiểu sản xuất tiền mặt và bảo vệ môi trường. Theo báo cáo từ Mastercard vào ngày 30/4 vừa qua, “thanh toán không tiếp xúc” đã tăng hơn 40% kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có này, mỗi chúng ta đều có ý thức và mong muốn hướng tới một cuộc sống lành mạnh hơn. Rất nhiều cá nhân và tập thể đã áp dụng một lối sống “sạch - xanh”, với báo cáo cho thấy gần 45% công dân Mỹ đã bắt đầu chủ động nấu ăn tại nhà bằng các nguyên liệu tươi sống có lợi cho sức khoẻ. 

Người dân cũng bắt đầu quan tâm hơn tới việc rèn luyện sức khoẻ thể chất và tâm lý, nhờ đó mà những ứng dụng như luyện tập yoga, thiền và chánh niệm cũng ngày càng được đón nhận đông đảo. Những hạn chế và giãn cách xã hội đối với phương tiện công cộng đã giúp thúc đẩy sự quay trở lại của xe đạp khi doanh số từ nhiều thương hiệu bỗng tăng vọt 48%, đặc biệt là tại Anh với 184% chỉ trong vòng 2 tháng. Tất cả những sự thay đổi này, không chỉ mang đến lợi ích người dân, doanh nghiệp … mà còn có những tác động tích cực đến môi trường và hệ sinh thái của trái đất. 

Hãy coi đây là một cơ hội hoàn hảo để tất cả chúng ta có thể khám phá, thay đổi, tìm kiến những khía cạnh mới, những lĩnh vực mới để phát triển theo một chiều hướng tốt đẹp hơn. 

Nguồn: instinctif

Có thể bạn quan tâm