BH Media sở hữu bản quyền Quốc ca, nhờ điều gì mà kinh doanh phất lên như diều?

Từ sự việc bản quyền quốc ca tối 6/12 vấn đề đang được dư luận quan tâm không rõ công ty BH Media đã đăng ký quyền sở hữu bao nhiêu tác phẩm nổi tiếng và nguồn lợi từ việc “nhận vơ” các tác phẩm này mang lại cho công ty là không thể phủ nhận.

“Lùm xùm” chuyện “đánh gậy” Quốc ca

Sự việc khán giả hâm mộ bóng đá không nghe được phần hát Quốc ca Việt Nam trước trận đấu Việt Nam – Lào trong khuôn khổ AFF Suzuki Cup tối 6/12 khiến dư luận “giận dữ”. Một thông báo hiện trên kênh Youtube của Next Sports (Next Media) khi tường thuật trận đấu như sau: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị thông cảm”.

Sự việc tối 6/12 đã khiến dư luận "tức giận" về bản quyền Quốc ca
Sự việc tối 6/12 đã khiến dư luận "tức giận" về bản quyền Quốc ca

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng vụ việc này liên quan đến BH Media. Cụ thể, các ý kiến nhắc lại nghi án BH Media nhận sở hữu quyền tác giả với Tiến quân ca, “đánh gậy” bản quyền quốc ca nên mới có việc như vậy.

Về nghi vấn này, BH Media cũng khẳng định họ không nhận mình nắm bản quyền tác phẩm Quốc ca. Họ chỉ đang được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Theo đó, bất kỳ ai sử dụng bản ghi này của Hồ Gươm mà chưa xin phép, đều vi phạm bản quyền.

Về vụ việc tắt nhạc phần chào cờ này, BH Media cho biết mình không hề liên quan. “Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media”, BH Media cho biết.

Trước đó, những lùm xùm xung quanh việc BH Media nhận vơ, sở hữu trái phép bản quyền một loạt các tác phẩm như: ca khúc "Tiến quân ca", video "Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp", "Tiếng trống Mê Linh", "Nửa đời hương phấn", "Giấc mơ trưa" trên YouTube đã khiến dư luận bức xúc.

Được biết, BH Media đã đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID - một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.

Tuy nhiên, nếu những video không thuộc quyền sở hữu của BH Media nhưng đơn vị này lại là người đầu tiên gắn Content ID vào sản phẩm thì đã vô hình trục lợi trái phép các tác phẩm nghệ thuật. Và với những người thường xuyên làm nội dung trên youtube thì Content ID không còn xa lạ gì. Đây là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình và thu tiền quảng cáo từ Youtube.

Doanh thu tăng dựa hơi các tác phẩm nổi tiếng? 

BH Media là doanh nghiệp hoạt động khá lâu năm trong lĩnh vực truyền thông, nội dung số tại Việt Nam, có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ truyền thông BIHACO. Doanh nghiệp này thành lập năm 2008, do ông Nguyễn Hải Bình (sinh năm 1982) sáng lập và làm Giám đốc điều hành.

BH Media có quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Hải Bình (nắm 40% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hoàng (nắm 40% vốn điều lệ) và bà Nguyễn Thị Huyền Trang (nắm 20% vốn điều lệ).

Theo giới thiệu trên website chính thức, BH Media sở hữu một danh sách dài các ứng dụng trên điện thoại di động, thuộc nhiều lĩnh vực từ game, tin tức, giáo dục, tử vi, giải trí, du lịch, thể thao,... Ngoài ra, BH Media còn sở hữu rất nhiều sản phẩm truyền thông số, bao gồm: trang web xoso.com, trang thương mại điện tử Chọn Mua Deal, dự án PHANMEM.COM.

BH Media cũng cung cấp các giải pháp về marketing online như: SEO-SEM Marketing, Social Media Marketing... Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn hoạt động nhiều trong các lĩnh vực liên quan đến nền tảng số, mạng xã hội như biên tập video, quản lý Fanpage, kênh YouTube,... Một số Fanpage sở hữu hàng triệu like cũng được BH Media tuyên bố quyền sở hữu.

Không rõ BH Media đã đăng ký quyền sở hữu bao nhiêu tác phẩm và khai thác chúng từ bao giờ nhưng nguồn lợi từ việc “nhận vơ” các tác phẩm nổi tiếng mang lại cho đơn vị truyền thông này là không thể phủ nhận.

Năm 2020, doanh thu của BH Media tăng vọt hơn 91% so với năm trước lên mức 15,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019 cũng là một năm doanh nghiệp truyền thông này có doanh thu đột biến gần 8 tỷ đồng khi giai đoạn 2016-2018 trước đó con số chỉ quanh mức 4 - 5 tỷ đồng.

Sau giai đoạn thua lỗ triền miên, BH Media đã thoát lỗ năm 2019.
Sau giai đoạn thua lỗ triền miên, BH Media đã thoát lỗ năm 2019.

Sau giai đoạn thua lỗ triền miên, BH Media đã thoát lỗ năm 2019 tuy nhiên lợi nhuận thuần cũng chỉ vỏn vẹn gần 700 triệu đồng. Con số này thậm chí còn giảm trong năm 2020 xuống còn xấp xỉ 500 triệu đồng dù doanh thu tăng đột biến.

Không chỉ tình hình kinh doanh được cải thiện, quy mô của BH Media cũng tăng đáng kể sau khi doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, do khoản lỗ lũy kế những năm hoạt động kém hiệu quả trước đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 15 tỷ đồng. Nhờ tăng vốn, tổng tài sản của BH Media cũng tăng gấp đôi so với năm trước lên 17,8 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm