Bí thư Bến Tre: “Không thể cộng dồn quá khứ với hiện tại thành tương lai mà phải thay đổi tư duy”

Đây là chia sẻ và cũng là lời gửi gắm của ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre với các cấp lãnh đạo, sở ngành của tỉnh cũng như các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư tại Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH của Bến Tre" mới đây.
Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu với các chuyên gia, nhà đầu tư
Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu với các chuyên gia, nhà đầu tư

Theo ông Mãi, thời gian qua, Bến Tre có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn thấp hơn mức trung bình của khu vực ĐBSCL và cả nước, đồng thời đang có chiều hướng tụt hậu.

“Làm gì để Bến Tre phát triển, sánh vai với khu vực và cả nước luôn là trăn trở lớn của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà”, ông Mãi chia sẻ và khẳng định: Muốn phát triển, Bến Tre không thể cộng dồn quá khứ với hiện tại thành tương lai mà phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức hoạch định chiến lược phát triển. Sự phát triển của Bến Tre phải được dẫn dắt bằng tri thức và với cách thức mới.

Đây cũng là lý do mà Bến Tre quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn Chiến lược và Kinh tế, mời các chuyên gia về kinh tế, quy hoạch hàng đầu tham gia tư vấn và phản biện chính sách, giúp cho tỉnh những phương hướng, giải pháp triển khai đồng bộ chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và cách thức ứng phó với những biến đổi khó lường về kinh tế, xã hội, môi trường…

“Bến Tre cần huy động nguồn vốn khoảng 135 - 140 ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án công trình trọng điểm mang tính đột phá”, ông Mãi cho biết và khẳng định nguồn vốn này không thể chỉ dựa vào ngân sách mà cần được huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ khu vực tư nhân như vốn FDI, vốn trái phiếu, hợp tác công tư, vốn xã hội hóa, các quy đầu tư và các nguồn vốn khác…

“Bằng sự khát khao và cầu thị, sẵn sàng đổi mới trong tư duy, quyết liệt trong hành động, Bến Tre kỳ vọng sẽ trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và cả nước vào năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 8,5 – 9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2020, khoảng 87 triệu đồng”, ông Mãi nhấn mạnh.

TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Chia sẻ với khát vọng đổi mới – phát triển của Bến Tre, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định: Nếu xét về lợi thế, Bến Tre không có gì nổi trội khi so sánh với các tỉnh thành khác. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào lợi thế thì rất khó tạo ra bứt phá mà cần thay đổi tư duy, biến những điều tưởng như bất lợi thành lợi thế.

Theo TS.Võ Trí Thành, nhắc đến Bến Tre là nhắc đến truyền thống, phong trào Đồng Khởi với tinh thần quật cường. Đây chính là “vốn xã hội” có thể tạo ra sự chia sẻ, kết nối, huy động các nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội.

“Vốn xã hội quan trọng hơn vốn tiền bạc”, TS.Võ Trí Thành khẳng định và cho rằng: Bến Tre dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn là một tỉnh nghèo nhưng trong thời đại 4.0 này, nghèo cũng là một “lợi thế” bởi khi nghèo thì khát vọng làm giàu sẽ “máu lửa” hơn. Bên cạnh đó, theo TS.Võ Trí Thành, trong điều kiện hiện nay, tỉnh nghèo, hay quốc gia nghèo hoàn toàn có thể bắt kịp, đi cùng, thậm chí là vượt lên, đơn cử như Việt Nam đã bắt kịp với thế giới trong phát triển mạng 5G, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số…

Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp, TS.Võ Trí Thành phân tích: Nông nghiệp vốn được coi là lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, không hấp dẫn đầu tư nhưng nên nhớ rằng, mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 30.000 tỷ USD nông sản, thực phẩm.

“Đó là dư dịa cực lớn cho ngành nông nghiệp và Bến Tre hoàn toàn có thể tạo đột phá từ chính lĩnh vực tưởng chừng như bất lợi này, giống như cách mà Israel đã làm với lĩnh vực nông nghiệp của họ”, TS.Võ Trí Thành khẳng định và chỉ ra rằng: Bến Tre đang thích ứng nhiều hơn là sáng tạo mà muốn có đột phá, sáng tạo phải là yếu tố hàng đầu. Chính vì vậy, Bến Tre cần thay đổi tư duy, sáng tạo nhiều hơn nữa, quyết liệt, “đau đáu” nhiều hơn nữa và đặc biệt là phải tạo ra sự hấp dẫn, mời gọi được các “đại bàng về làm tổ”.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công

Ở góc độ vừa là người con của quê hương Đồng Khởi, vừa là một nhà đầu tư, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cho rằng: Nguồn vốn khoảng 135 - 140 ngàn tỷ mà Bến Tre cần huy động để phát triển kinh tế - xã hội thực sự là không lớn nếu Bến Tre giải mã được vấn đề giao thông, kết nối liên tỉnh và liên vùng, đồng thời phát triển thị trường tài chính với đề xuất các ngân hàng khi huy động được tiền tại Bến Tre thì phải phục vụ cho Bến Tre.

“Tôi muốn nhấn mạnh câu nói “thông lộ thì thông tài, lộ thông thì tài thông” để thấy kết nối giao thông là cực kỳ quan trọng”, doanh nhân Đặng Văn Thành nhấn mạnh và cho rằng: Bến Tre cần biết khai thác lợi thế của người đi sau để phát triển nền kinh tế tri thức, khai dân trí, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn với chính sách cởi mở, đồng bộ, phát triển thị trường tài chính…

“Có một thực tế là các doanh nghiệp đăng ký đầu tư thì nhiều nhưng đều dò dẫm, triển khai rất khó khăn. Vì vậy, Bến Tre quan tâm đúng mức để tạo ra một lực lượng doanh nghiệp cơ hữu. Họ là minh chứng cho chính sách, môi trường đầu tư của tỉnh và là đầu tàu, thu hút các doanh nghiệp khác về với Bến Tre”, ông Thành nói.

Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre” do UBND tỉnh Bến Tre và Câu lạc bộ Các nhà Kinh tế phối hợp tổ chức diễn ra sáng 30/12/2020. Dịp này, Hội đồng Tư vấn Chiến lược & Kinh tế tỉnh Bến Tre cũng được ra mắt. Thương Gia là một trong những cơ quan báo chí bảo trợ thông tin cho sự kiện.

Có thể bạn quan tâm