BIDV vẫn chưa thống nhất giá bán với KEB Hana Bank

Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, đến nay thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất được thủ tục do giữa hai bên còn có khoảng cách và chưa thống nhất giá.
BIDV vẫn chưa thống nhất giá bán với KEB Hana Bank

Ngày 26/4, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Trong đó, có một vấn đề được cổ đông khá quan tâm là những vướng mắc và khả năng thành công trong thương vụ đàm phán với KEB Hana Bank.

Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú đã chia sẻ, "đây là câu chuyện khá dài, trải qua nhiều giai đoạn từ khi ĐHĐCĐ năm 2017 chúng ta cũng đã đặt vấn đề tìm cổ đông chiến lược. Năm 2018, chúng ta xác định danh tính nhà đầu tư tiềm năng là tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc. Trong quá trình đàm phán và bán vốn, chúng ta, theo quy định pháp luật của Việt Nam, chúng ta đã trải qua rất nhiều thủ tục, và những thủ tục đấy đến nay về cơ bản đã được Chính phủ, NHNN và các cơ quan liên quan tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện một số thủ tục vẫn còn chưa hoàn tất. Giá kỳ vọng của đối tác và chúng ta cũng chưa gặp nhau"

Liên quan đến vấn đề bao giờ thành công thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ thị trường, yêu cầu kỹ thuật về thủ tục pháp luật và cả giá kỳ vọng của 2 bên…HĐQT sẽ làm tối đa để có thể hoàn tất thương vụ này sớm nhất vì đây là thương vụ rất quan trọng với BIDV.

Trước đó, trong năm 2018 BIDV đã trình và được cổ đông thông qua phương án tăng vốn theo 5 cách: Phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng 170,9 triệu cổ phiếu mới; Phát hành 603,3 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; Phát hành 170,9 triệu cổ phiếu ESOP; Phát hành trái phiếu chuyển đổi và phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận. Tuy nhiên trong năm qua, BIDV vẫn chưa thể thực hiện được kế hoạch nói trên do chưa được NHNN cho ý kiến.

Trong năm 2019, BIDV trình lại kế hoạch tăng vốn, trong đó bỏ phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi. Theo đó, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, trong khi 4 phương án còn lại vẫn đang trong quá trình xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ.

Về việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng cho biết, mới nhất, ngày 21/2/2019, NHNN đã có văn bản số 1029/NHNN-TTGSNH chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV từ 34.187 lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank.

Tại Đại hội, lãnh đạo ngân hàng cũng đã cập nhật về kết quả kinh doanh quý I/2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.521 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 2.262 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản ngân hàng đạt 1.343 nghìn tỉ đồng, tăng 2,2% so đầu năm. Tín dụng đạt 1.264 nghìn tỉ, tăng 4,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 4,1%. Nguồn vốn tăng 2,2% đạt 1.037 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,74%; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 1,64%. Ngân hàng đã tiến hành trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

Năm 2019, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.300 tỷ đồng, tăng 8,73% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này của BIDV giảm so với mức 10.500 tỷ đồng mà ngân hàng đã công bố trong tài liệu ĐHĐCĐ trên website hôm 16/4. Ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 11%, dư nợ tín dụng tăng 12% và nợ xấu dưới 2%, chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2018.

Về các giải pháp trọng tâm trong năm 2019, BIDV sẽ tập trung xây dựng, ban hành và triển khai chiến lược phát triển của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược cấu phần đối với từng đối tượng khách hàng, trong đó tập trung ưu tiên bán lẻ, SME và FDI.

HĐQT của BIDV cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2019 là tiếp tục thực hiện các cấu phần đã có kế hoạch từ năm 2018. Theo đó, BIDV tiếp tục dự định tăng vốn theo 4 cách đó là phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng 170,9 triệu cổ phiếu mới, phát hành 603,3 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành 170,9 triệu cổ phiếu ESOP và phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận. Khác với năm trước, BIDV bỏ phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Cổ đông thông qua nội dung tờ trình bổ sung thành viên HĐQT. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT, cho biết hiện nay thành viên HĐQT của BIDV là 8 nên bầu thêm 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022. Ứng viên là bà Nguyễn Thị Thu Hương sinh năm 1967 hiện là Vụ trưởng Vụ thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nước ngoài (Vụ II), cơ quan thanh tra, giám sát thuộc NHNN.

 >> Sau kiểm toán, nợ xấu nội bảng của BIDV tăng đột biến

Có thể bạn quan tâm