Bình Định sẵn sàng là điểm đến thứ 6 hấp dẫn du khách quốc tế

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Định hướng chung cho giai đoạn 2021-2022 là du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác thị trường nội địa, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Bình Định sẵn sàng là điểm đến thứ 6 hấp dẫn du khách quốc tế

Toạ đàm “Bình Định kích hoạt du lịch Xanh: Điểm đến an toàn – Trải nghiệm hấp dẫn” ngày 13/11 diễn ra tại FLC Quy Nhơn, Bình Định năm nay nhằm thảo luận về công tác chuẩn bị cũng như các giải pháp kích cầu cụ thể và hiệu quả cho du lịch tỉnh này trong bối cảnh thị trường nội địa dần phục hồi sau giãn cách.

Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lãnh đạo các Hiệp hội du lịch, lãnh đạo tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng và các chuyên gia hàng đầu và đại diện hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, hàng không.

Trải qua 3 đợt giãn cách kéo dài từ 2020 - 2021, Bình Định được đánh giá là điểm sáng về tốc độ phục hồi du lịch hậu giãn cách với các chương trình kích cầu sáng tạo và đa dạng.

Với ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4, chiến lược phục hồi du lịch Bình Định cần có lộ trình và phương án đón du khách đảm bảo tối ưu hai tiêu chí “điểm đến an toàn” và trải nghiệm hấp dẫn”. Đồng thời, cần thiết kế những sản phẩm dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, năm 2019, ngành du lịch đã đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12% với 9 dự án đầu tư mới.

"Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, từ cuối năm 2020, ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2021 Bình Định đón 1.200 lượt khách, giảm 36,3%, doanh thu du lịch ước đạt 1.671 tỷ đồng, giảm 39%. Đây là thời điểm thách thức với ngành du lịch của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đang thực hiện thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình mới”, ông Giang chia sẻ. 

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho hay sau đợt giãn cách lần thứ 4, Bình Định chuẩn bị sẵn sàng tất cả điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực, hạ tầng để mở cửa đón khách, trong bối cảnh thị trường du lịch nội địa đang có nhiều điểm sáng. Câu chuyện mở cửa đón khách quốc tế cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quyết liệt cho toàn ngành du lịch nói chung và Bình Định nói riêng. 

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom.

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom.

“Hơn bao giờ hết, ngành du lịch đang cần đến sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống, từ chính phủ, các cấp bộ, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Một bộ giải pháp toàn diện sẽ là liều thuốc trợ lực hiệu quả nhất để đưa du lịch – một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhanh chóng tăng tốc và góp phần là bệ phóng cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác. 

Tại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã đề nghị với tỉnh Bình Định một số nội dung như triển khai thật tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là cơ sở, điều kiện để chúng ta có thể mở lại hoạt động du lịch một cách an toàn trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam

"Tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Bình Định nên chú trọng nâng cao chất lượng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, du lịch văn hoá để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi Covid-19. Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch.

Tỉnh Bình Định tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phát huy hợp tác công tư, sự vào cuộc của các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn điển hình là tập đoàn FLC cho sự phát triển của du lịch địa phương.

Ông Khánh cho biết thêm, đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch đã tham mưu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Phạm vi áp dụng sẽ được mở rộng vào đầu năm 2022, các địa phương chủ động đề xuất và đáp ứng điều kiện sẽ được xem xét cho phép đón khách du lịch quốc tế.

Trong chiến lược kích cầu du lịch xanh sau đại dịch, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Bình Định cũng giống như nhiều điểm du lịch khác ở Việt Nam đang trong tư thế sẵn sàng để chuẩn bị đón khách. Năm 2020, cứ hễ dịch COVID-19 được kiểm soát là các địa phương lại mở cửa ngay, nhu cầu du lịch của hành khách tăng rất cao. Với độ phủ vaccine của Việt Nam đang tăng rất cao, nhất là mũi 2, người dân và du khách sẽ yên tâm hơn. Đơn cử, Khánh Hoà đã đạt tỷ lệ tiêm hai mũi vaccine cho trên 90% người trên 18 tuổi. Bình Định, Phú Yên vốn là khu vực khá an toàn trong dịch COVID-19, với việc phủ rộng vaccine khu vực này càng an toàn hơn.

Như vậy, những vùng biển không quá đông đúc mà lại có vẻ đẹp thiên nhiên là những điểm đến hàng đầu của du khách sau dịch COVID-19 mà Quy Nhơn (Bình Định) là một trong những điểm đến nổi bật, dự báo sẽ trở thành điểm đến rất hấp dẫn du khách quốc tế khi triển khai các hoạt động kích cầu du lịch xanh an toàn. 

Có thể bạn quan tâm