Bộ Công Thương đang soạn dự thảo về quy định ghi nhãn "Made in Vietnam"

Sau những vấn đề về xuất xứ hàng hoá liên quan đến vụ Khaisilk và Asanzo, Bộ Công Thương đang soạn thảo quy định để đưa ra tiêu chí thế nào là "hàng Việt Nam", "made in Việt Nam".
Bộ Công Thương đang soạn dự thảo về quy định ghi nhãn "Made in Vietnam"

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại đặt ra yêu cầu xác định tỉ lệ giá trị hàm lượng từ một quốc gia, khu vực của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng không yêu cầu bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa. Trong khi đó, quy định ghi nhãn hàng hóa tiêu thụ trong nước của Việt Nam dù mang tính bắt buộc nhưng để cho doanh nghiệp tự lựa chọn nội dung ghi nhãn phù hợp liên quan tới xuất xứ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh - trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết, phương pháp xác định xuất xứ phổ biến nhất là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm, nói nôm na là xác định xem giá trị được tạo ra tại khu vực có liên quan là bao nhiêu. Nếu khu vực là một nước, thí dụ VN, thì xem phần giá trị được tạo ra trên lãnh thổ VN là bao nhiêu; nếu khu vực là ASEAN thì xem phần giá trị được tạo ra trong phạm vi ASEAN.

Phương pháp phổ biến tiếp theo là sử dụng Biểu HS (Biểu phân loại hàng hóa trong thương mại quốc tế) để xác định xuất xứ. Biểu này được xây dựng theo chương (HS 2 số), chương chia ra thành các đầu mục (HS 4 số), đầu mục chia tiếp thành các tiểu mục (HS 6 số).

Một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ VN nếu nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm đấy được phân loại vào chương này trong khi sản phẩm cuối cùng lại được phân vào một chương khác. Kiểu xác định xuất xứ này được gọi là “chuyển đổi chương” (CTC), là kiểu khó nhất.

Các quy tắc dễ hơn là “chuyển đổi đầu mục” (CTH) và “chuyển đổi tiểu mục” (CTSH). Khi sử dụng CTC, CTH hoặc CTSH, người ta sẽ không quan tâm tới hàm lượng giá trị RVC nữa.

Ngoài hai phương pháp cơ bản trên, còn một số phương pháp khác, áp dụng cho một số sản phẩm đặc thù, thí dụ sử dụng quy trình của phản ứng hóa học với sản phẩm làm ra cần phản ứng hóa học như rượu; hoặc quy tắc “từ sợi trở đi” áp dụng cho sản phẩm dệt may...

Người ngoài sẽ thấy rất phức tạp, nhưng tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có bộ phận phụ trách công tác này và việc xác định chính xác xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đối với họ không có gì khó khăn cả.

Quy tắc xuất xứ (QTXX) là công cụ kinh hoàng nhất, có thể vô hiệu hóa hoàn toàn việc mở cửa thị trường. Xóa bỏ thuế nhập khẩu cho nhau nhưng áp dụng QTXX thật ngặt nghèo thì cũng chẳng ai hưởng ưu đãi được. Vì vậy, đàm phán QTXX trong các hiệp định thương mại luôn là một trong những nội dung căng thẳng nhất, đôi khi là điểm mấu chốt quyết định thành bại.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh

Các sản phẩm tiêu thụ nội địa ghi xuất xứ thế nào là vấn đề nội bộ của từng quốc gia, các FTA không điều chỉnh việc này. Với VN, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo nghị định 43/2017 của Chính phủ.

Nghị định quy định nhiều vấn đề nhưng cơ bản nhất có hai chuyện thôi. Một là, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Hai là, các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.

Với đặc thù của chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp nhiều khi nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới nên không dễ xác định xuất xứ. Do đó, nhiều nhà sản xuất sẽ ghi là “Made by Samsung” hoặc “Made by Nokia”, tức ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó.

Đó là cách ghi trung thực, thể hiện thông tin như “được sản xuất tại…”, “được sản xuất bởi…”, hoặc “lắp ráp bởi”… Rõ ràng với dây chuyền sản xuất hiện đại với chuỗi cung ứng toàn cầu trải dài nhiều nước, rất khó xác định xuất xứ chính xác cho sản phẩm. Nên các nước cho phép doanh nghiệp được thông tin phù hợp nhất với đặc thù sản xuất.

"Thực tế thì, suy cho cùng, dù nhà sản xuất ghi là “Made in Vietnam” hay “Made in UK” cũng không mang lại nhiều giá trị gia tăng bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, hậu mãi của doanh nghiệp đưa ra. Sức mạnh của người tiêu dùng mới là quan trọng nhất với một nhà sản xuất hay một thương nhân. Vì vậy, họ sẽ luôn có động cơ để khai báo xuất xứ trung thực", ông Khánh nhận định.

>> “Săn” hàng made in Vietnam ở nước ngoài

Có thể bạn quan tâm