Bộ Công Thương kết nối doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Hải Dương

Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước về việc cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại Hải Dương.
Bộ Công Thương kết nối doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Hải Dương

Theo đó, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, theo đề nghị của các địa phương, Bộ Công Thương đã kết nối một số doanh nghiệp phân phối lớn với sở Công Thương các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Đặc biệt, ngay sau khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16/02/2021, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MMMegaMarket để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh.

Hiện tại, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, trước mắt khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng nên 200 tấn/tuần; MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết ngày 18/2/2021 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

Trong khi đó, ngày 21/2, UBND tỉnh Hải dương có văn bản gửi tới UBND thành phố Hải Phòng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hải Dương.

Cụ thể, UBND tỉnh Hải Dương cho biết hiện nay việc lưu thông hàng hóa từ tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng vẫn còn vướng mắc. Từ đó, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị UBND thành phố Hải Phòng thống nhất tạo điều kiện cho việc trung chuyển hàng hóa để giảm bớt các điều kiện, thủ tục, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch như sau:

- Phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương (lái xe có giấy xác nhận kết quả âm tính SAR-COV-2 bằng phương pháp PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương) đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng đến điều khiển phương tiện lưu thông vào địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe đi từ tỉnh Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ thành phố Hải Phòng.

- Việc bố trí lái xe, phương tiện và cách thức giao nhận do các doanh nghiệp của Hải Dương và Hải Phòng liên hệ và chịu trách nhiệm.

Trước đó, ngày 5/2, UBND tỉnh Hải Dương có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm và các sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được lưu thông qua địa bàn các tỉnh và thành phố và ngược lại.

Đến ngày 16/2, khi có thông tin một số địa phương dừng tiếp nhận người và hàng hóa từ Hải Dương, UBND tỉnh này lập tức có công văn số 517/UBND-VP gửi Bộ Công Thương, UBND TP.Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu về việc tạo điều kiện thông thương hàng hóa.

Đến ngày 19/2, Sở Công Thương Hải Dương có văn bản số: 279/SCT-QLTM gửi Bộ Công Thương để kiến nghị triển khai các biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá. Theo đó, sở đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, báo cáo Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa; xác định rõ các điều kiện để cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận tiện qua địa bàn các tỉnh nói chung, cũng như trong vùng có dịch nói riêng.

Có thể bạn quan tâm