Bộ Công thương sắp nhận gần 3.000 tỷ đồng cổ tức từ Petrolimex

Với tỷ lệ cổ tức 30% bằng tiền mặt, Bộ Công Thương sẽ nhận về 2.945 tỷ đồng cổ tức từ Petrolimex cho 981,69 triệu cổ phiếu (tương đương 75,87% vốn điều lệ) đang nắm giữ tại tập đoàn này.
Bộ Công thương sắp nhận gần 3.000 tỷ đồng cổ tức từ Petrolimex

Theo nghị quyết phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã:PLX), doanh nghiệp này sẽ chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được PLX sẽ nhận về 3.000 đồng tiền mặt.

Về cơ cấu cổ đông, hiện Bộ Công thương đang sở hữu 981,69 triệu cổ phiếu (tương đương 75,87% vốn điều lệ) của Petrolimex,  Petrolimex đang nắm giữ là 135,1 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 10,44% vốn điều lệ.

Cổ đông nước ngoài JX Nippon Oil & Energy Việt Nam nắm giữ 103,53 triệu cổ phiếu PLX, chiếm tỷ lệ 8% sẽ nhận 311 tỷ đồng cổ tức.

Kết thúc quý I/2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất PLX đạt 1.003,2 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 38% còn 241,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh sa sút được tập đoàn này lý giải do cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên kết giảm 52 tỷ đồng. Song khoản này được cho là không ảnh hưởng tới lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn mà chủ yếu là do tỷ giá và lãi suất vay vốn biến động theo chiều hướng tăng.

Vì vậy, trong quý I vừa qua, công ty mẹ lỗ chênh lệch tỷ giá và tăng chi phí tài chính, làm giảm lợi nhuận so với cùng kỳ và ảnh hưởng đến lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn.

"Của để dành" của Petrolimex đến hết quý 1/2018 gồm có 5.391 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; có 2.246 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần; có 1.132 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu; công ty còn giữ số cổ phiếu quỹ trị giá 1.350 tỷ đồng; trong quỹ đầu tư phát triển còn hơn 953 tỷ đồng; các quỹ khác thuộc chủ sở hữu còn 1.333 tỷ đồng.  

Theo cập nhật mới nhất từ Petrolimex, trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng xăng dầu xuất bán của tập đoàn này đạt 4,4 triệu m3 tấn, tăng 15% cùng kỳ và đạt 33% kế hoạch. Tăng trưởng sản lượng bán lẻ năm 2018 ước đạt 4,5% so với cùng kỳ năm trước, hiện 4 tháng tăng 7% so với cùng kỳ, với sản lượng tăng vọt tại gần 2.500 cửa hàng.

Tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 1.827 tỷ đồng trong 4 tháng, đã hoàn thành 36,4% kế hoạch năm; trong đó, xăng dầu đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Năm 2018, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu đạt 158.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 4,5% so với mức thực hiện năm 2017. Mức chia cổ tức dự kiến không thấp hơn 12%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX diễn biến rất tích cực với việc ngược dòng tăng giá mạnh giữa lúc các chỉ số rơi mạnh. Phiên 3/5, PLX tăng thêm 0,3% lên 66.200 đồng/cổ phiếu sau hai phiên tăng trần trước đó. Khối lượng giao dịch đạt hơn 788 nghìn đơn vị.

Mặc dù kinh doanh thuận lợi, lợi nhuận mang về con số không nhỏ nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua của Petrolimex, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Thắng Hải cho rằng, hiện, Petrolimex đang đứng đầu trong các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 theo chủ trương của Chính phủ đang phải chịu bất công trong việc đánh thuế bảo vệ môi trường.

Tương tự, với thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp bán càng nhiều xăng E5 càng thiệt trong việc thu hồi lại thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ ở đầu vào. Bởi hiện nay, thuế tiêu thu đặc biệt cho xăng khoáng là 10%, trong khi đó xăng E5 là 8%, chỉ nhỉnh hơn Etanol (mức 7%) một chút.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kiến nghị sớm "khai tử" xăng RON 95, theo đó chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học là E5 RON 92 và E5 RON 95.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, tỉ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng.

Theo ông Năm, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng do dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng.

 >> Petrolimex, PVOIL không đồng thuận đề xuất bán trở lại xăng RON92

Có thể bạn quan tâm