Bộ GTVT chính thức phát hành hồ sơ mời thầu 5 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam

5 đoạn BOT kêu gọi đầu tư gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Bộ GTVT chính thức phát hành hồ sơ mời thầu 5 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam

Ngày 16/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư cho 5 đoạn BOT cao tốc Bắc - Nam. Dự kiến tháng 10 tới sẽ có kết quả đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, sau khi trải qua quá trình sơ tuyển hồ sơ, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đấu thầu. Dự kiến, tháng 10 tới Bộ GTVT sẽ mở thầu, khi đó sẽ biết nhà đầu tư nào trúng thầu.

Các đoạn cao tốc kêu gọi nhà đầu tư BOT gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Tổng số vốn các nhà đầu tư phải huy động cho 5 dự án này hơn 22.355 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư sẽ có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, sau đó nộp cho bên mời thầu.

Bộ GTVT cũng đưa ra tiêu chí đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm đánh giá về năng lực kinh nghiệm, tài chính thương mại và việc huy động vốn tín dụng.

Trong hồ sơ mời thầu sẽ quy định rõ, nhà đầu tư có sáu tháng để huy động vốn tín dụng cho các dự án. Quá thời hạn trên, nếu không huy động được, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng đã ký và nhà đầu tư sẽ bị tịch thu bảo lãnh hợp đồng.

Trường hợp thuận lợi, đấu thầu thành công, Bộ GTVT sẽ đàm phán, ký hợp đồng với các nhà đầu tư vào tháng 12/2020 để khởi công xây dựng các dự án vào đầu năm 2021, cơ bản hoàn thành vào năm 2023 theo đúng tiến độ của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Nhật Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện 5 đoạn kêu gọi đầu tư BOT đều giải phóng mặt bằng đạt khoảng 80-85%, đủ điều kiện có thể khởi công ngay. Dự kiến mặt bằng sạch toàn bộ sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới. Nếu thuận lợi, tìm được nhà đầu tư và huy động được tín dụng, các dự án có thể khởi công vào nửa đầu năm 2021.

Tới nay, 5 đoạn cao tốc trên đều có từ 2 nhà đầu tư (liên danh nhà đầu tư) vượt qua vòng sơ tuyển hồ sơ, sẽ bước vào giai đoạn đấu thầu.

Cụ thể, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 2 liên danh qua sơ tuyển: Liên danh Cienco4 - Hòa Bình - Thuận An - Tân Thành Đô - Công ty 18; Liên danh Công ty CP Licogi16 - Công ty CP FECON- Công ty CP ĐT 468 - Công ty TNHH Xây dựng Điền Phước - Công ty CP Hạ tầng và Phát triển đô thị FECON.

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có 2 liên danh: Liên danh Tân Nam - Vinaconex - Thái Sơn; Liên danh Hòa Hiệp - Vinaconex 2 - Cienco4 - Núi Hồng.

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có 3 liên danh: Liên danh Hòa Hiệp - Vinaconex 2 - Cienco4 - Núi Hồng; Liên danh Đèo Cả - Hải Thạch - Hà Thanh - Hoàng Long - Tiến Đại Phát; Liên danh Vinaconex - Tân Nam - HCJ.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 5 nhà đầu tư: Liên danh Vinaconex - Duy Tân - Trường Long; Liên danh Cienco4 - Thuận An - Tân Thành Đô; Cồng ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; Liên danh Miền Trung - Cường Thịnh Thi – Cienco1 - 873 – 168; Liên danh Phương Thành - Nguyên Minh - Nhạc Sơn - Tự Lập.

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 4 liên danh: Liên danh Trung Nam - Horizon - Hải Đăng - Sơn Hai; Liên danh Vinaconex - VN.ETDEI – FECON; Liên danh Đèo Cả - Hải Thạch – 194; Liên danh Cienco4 - Hòa Bình - Giao thông 18 - Phương Thành - Thuận An.

Trước đó, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương chuyển 3 đoạn ban đầu kêu gọi đầu tư BOT nay chuyển sang đầu tư công gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo – Phan Thiết, và Phan Thiết – Dầu Dây.

Dự án cao tốc Bắc-Nam dài 654 km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 6 dự án đầu tư công, còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của 11 dự án là khoảng 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm