Bộ NN-PTNT xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng, thừa hơn 1.800 tỷ đồng.
Bộ NN-PTNT xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ ngành, địa phương. Báo cáo cho thấy có tới 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp.

Với tỉ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0%, có các cơ quan gồm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước...

Bên cạnh đó, các bộ như Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thanh toán được 74,8 tỷ đồng trong tổng số 1.108 tỷ đồng được giao, chiếm 6,75%, Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%.

Ngoài ra, Văn phòng Trung ương Đảng được phân bổ 222,8 tỉ đồng nhưng trong 6 tháng qua mới thanh toán được hơn 1 tỉ đồng, chiếm 0,47% tổng vốn được giao; Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%...

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu, các bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân dưới 15% gồm Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước...

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020. Bên cạnh đó, vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ các dự án.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, tốn nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục.

Đáng chú ý, trong văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi Bộ Tài chính mới đây, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA. 

Ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỷ đồng.

Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao cho bộ sang các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân. Kiến nghị này của Bộ NN-PTNT đang được cấp có thẩm quyền xem xét.

Mới đây, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu rõ: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Hội nghị thống nhất xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ sẽ họp giao ban 1 tháng/lần với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương định kỳ 15 ngày phải rà soát, cập nhật kết quả giải ngân, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hàng tháng công khai kết quả giải ngân của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tại phiên họp Chính phủ, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể bạn quan tâm