Bộ Tài chính: Đa số ý kiến nhất trí tăng thuế xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết, có 40/60 ý kiến phản hồi cho dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đã “nhất trí hoàn toàn”.
Bộ Tài chính: Đa số ý kiến nhất trí tăng thuế xăng dầu

Về tổng thể, đa số các ý kiến đều nhất trí với dự thảo nghị quyết tăng “kịch khung” thuế môi trường đánh vào mặt hàng xăng dầu này.

Theo Bộ Tài chính, đã có khoảng 60 ý kiến tham gia. Trong đó, có 14 ý kiến của các bộ, ngành, 42 ý kiến của các địa phương, và 4 ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác...

Qua tổng hợp, Bộ Tài chính cho biết, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết. Chỉ có một số ý kiến đóng góp về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo dự thảo. Bộ Tài chính đã tiếp thu những ý kiến hợp lý này để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết.

Bộ Tài chính nhận định, nếu nghị quyết tăng thuế xăng dầu có hiệu lực từ 1/7/2018, thì sẽ tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7/2018 khoảng từ 0,27 đến 0,29% so với tháng 6/2018. Tác động tăng CPI cả năm 2018 vào khoảng từ 0,11 đến 0,15%, nằm trong chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 mà Quốc hội giao (4%).

Đồng thời, tác động tích cực của việc tăng thuế môi trường còn ở chỗ việc tăng này sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Và góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Từ đó sẽ giảm phát thải ô nhiễm.

Trước đó, theo dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần trong khung 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần trong khung 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg; Nhiên liệu bay, dầu hỏa vẫn giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay (mức trần trong khung thuế) và 300 đồng/lít đối với dầu hỏa (mức sàn trong khung thuế).

Có thể bạn quan tâm