Bỏ xa Big3, VPBank chạy đua hút vốn ngoại

Trong khi một số ngân hàng đang loay hoay tìm cửa tăng vốn, thì một ngân hàng cổ phần tư nhân chạy nước rút niêm yết trên sàn, tăng trưởng hoạt động kinh doanh “thần tốc” để tăng giá trị cổ phiếu, hút
Bỏ xa Big3, VPBank chạy đua hút vốn ngoại

Hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB niêm yết chính thức trên HoSE sáng nay 17/8/2017 

Khối ngoại đăng kí mua 1,2 tỷ USD

Ngày 17/8/2017, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng sẽ chính thức niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) với giá tham chiếu 39.000 đồng/CP. Biên độ giao dịch ngày đầu tiên là +/-20%. Sự kiện VPBank niêm yết đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư trong và ngoài nước. Bởi, đây là ngân hàng TMCP tư nhân đầu tiên niêm yết trên HoSE trong năm 2017 và sẽ là cổ phiếu thứ 9 lên sàn trong vòng 5 năm qua.

Đáng chú ý, VPbank đang có sự bứt phá ngoạn mục về tốc độ tăng trưởng kinh doanh, trong đó, tín dụng có thời điểm tăng trưởng cao nhất hệ thống lên tới 39%, lợi nhuận liên tục vượt nghìn tỷ từ năm 2015-2016. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của VPbank đạt 3.263 tỷ đồng và sau thuế là 2.600 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016, và dẫn đầu nhóm ngân hàng TMCP và xếp thứ 4 về lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng chỉ đứng sau nhóm Big3 (Vietinbank, Vietcombank, BIDV).

Với tình hình kinh doanh tích cực, cổ phiếu VPB đang được giới đầu tư ngoại “săn đón” trước thời điểm niêm yết. Tại buổi roadshow ngày 15/8, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (đơn vị tư vấn niêm yết và phát hành riêng lẻ cho VPBank) cho biết, khoảng 80 nhà đầu tư nước ngoài đã được VPBank và Bản Việt tiếp cận để giới thiệu về tiềm năng đầu tư vào VPBank, và gần như tất cả đều đặt mua.

“Họ sẵn sàng chi mua cổ phiếu VPbank với số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phiếu VPB lên tới 1,2 tỷ USD”, ông Hải tiết lộ.

Sự quan tâm của khối ngoại cũng vượt ngoài sự mong đợi của lãnh đạo ngân hàng, mà theo tiết lộ của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, có những nhà đầu tư nước ngoài đàm phán và sẵn sàng trả mức giá cao hơn nữa (giá chào sàn 39.000 đồng/CP) để mua thêm. Nhu cầu đầu tư vào VPBank thực tế đã cao hơn 4 lần so với dự kiến ban đầu của ngân hàng. Điều này buộc ban lãnh đạo ngân hàng phải thuyết phục các cổ đông hiện hữu bán bớt cổ phiếu cho các nhà đầu tư ngoại.

Theo bản cáo bạch, trước khi niêm yết, VPBank đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 10.765 lên hơn 14.059 tỷ đồng (thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 32,83%), tương ứng 1.405 triệu cổ phiếu lưu hành.

Với giá chào sàn 39.000 đồng/CP và nếu tăng hết biên độ +20% trong phiên giao dịch đầu tiên, giá trị vốn hoá của VPBank trên sàn sẽ chạm mốc 66.000 tỷ đồng. Mức vốn hoá này sẽ vượt xa các ngân hàng cổ phần tư nhân đã niêm yết trước đó như: MBB, Sacombank, ACB, Eximbank… và chỉ đứng sau nhóm Big3 Vietcombank, VietinBank và BIDV. 

Áp lực tăng vốn, nới room ngoại

Về cơ cấu cổ đông cũng khá “đặc biệt”, VPBank hiện không có cổ đông nằm sở hữu trên 5% vốn điều lệ. Trong đó, cổ đông tổ chức trong nước nắm tổng cộng 23,48% vốn, còn cổ đông cá nhân giữ 48,87%. Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông ngoại của VPBank chỉ có 78 cổ đông tổ chức nắm giữ 22,34% vốn điều lệ và không có nhà đầu tư cá nhân.

Với quy định hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng tối đa là 30% vốn điều lệ, trong đó một tổ chức sở hữu tối đa 20%. Có thể thấy, room ngoại tại VPbank đang khá eo hẹp với dư địa chưa tới 8% với khoảng hơn 112 triệu cổ phiếu được phép mua thêm thì chưa đủ sức hấp dẫn để hút mạnh dòng vốn nước ngoài.

Được biết, trong kế hoạch tăng vốn năm 2017, VPBank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 2.000 tỷ đồng,  lên mức 16.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước với khối lượng không vượt quá 15% tổng cổ phần trước thời điểm thực hiện. Giá bán sẽ được thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, ngân hàng đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để phát hành riêng lẻ và sau phát hành sẽ nâng vốn chủ sở hữu lên 24-25.000 tỷ đồng. “Game” phát hành tăng vốn thường được giới đầu tư chờ đợi bởi kỳ vọng giá cổ phiếu VPB sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ sau khi niêm yết trên HoSE trong thời gian tới.

Về kết quả kinh doanh, VPbank đang ghi nhận mức tăng trưởng vượt hai con số. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2016, tín dụng ngân hàng tăng trưởng cao đạt 116,8 nghìn tỷ đồng (tăng 48,7%) và 144,7 nghìn tỷ đồng (tăng 23,9%), riêng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 162,1 nghìn tỷ đồng dư nợ (tăng 12%). Tỷ lệ nợ xấu đến cuối 2016 kiểm soát ở mức an toàn 2,91%, và giảm về 2,81% cuối tháng 6/2017 (dư nợ xấu 2.515 tỷ đồng).

Năm 2015, huy động tiền gửi tăng mạnh lên 130,3 nghìn tỷ đồng, và giảm còn 123,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2016, riêng nửa đầu năm 2017 tiền gửi đạt 129,6 nghìn tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất tăng trưởng 18%, đạt 228.771 tỷ đồng vào cuối năm 2016, và tăng mạnh lên mức 248.713 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2017. Vốn chủ sở hữu của VPbank hiện đạt 19.523 tỷ đồng.

VPBank hiện có hệ số ROA và ROE lớn nhất trong ngành ngân hàng, tính đến cuối năm 2016, ROA đạt 1,9% và ROE đạt 25,7% vượt xa các ngân hàng trong nước (ROA trung bình 2016 là 0,8% và ROE 12,5%).

Lãnh đạo VPBank cũng cập nhất kết quả kinh doanh 7 tháng với luỹ kế lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) 7 tháng năm nay ước đạt 4.100 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận cả năm 6.800 tỷ đồng song lãnh đạo VPBank dự kiến có thể đạt 7.000 tỷ đồng.

>> Nhà đầu tư nước ngoài đặt mua hơn 1,2 tỷ USD mua cổ phiếu VPBank

Có thể bạn quan tâm