“Bóc mẽ” các điều kiện kinh doanh

Nhóm nghiên cứu về ĐKKD của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề nghị bãi bỏ 16 ngành nghề kinh doanh ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện.
“Bóc mẽ” các điều kiện kinh doanh

Nhưng theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu này, không phát hiện ra điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nào thiếu căn cứ pháp lý.

Gọi sai tên?

Cho đến giờ, việc xác định logistics có phải là một ngành nghề để có tên trong danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (ban hành kèm theo Luật Đầu tư) vẫn chưa thực sự ngã ngũ.

Các chuyên gia Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây tiếp tục công bố quan điểm, đây không phải là một ngành nghề độc lập.

“Xét về bản chất, logistics là một chuỗi hoạt động, gồm vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… Mỗi hoạt động này tương ứng với một ngành, nghề kinh doanh và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) phân tích.

Điều đáng nói, nhiều ngành nghề trong chuỗi hoạt động của logistics đang được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với những văn bản quy định hệ thống ĐKKD cụ thể.

Có nghĩa là, các DN đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất hai tầng ĐKKD, một là điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và hai là điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị gọi là ngành nghề kinh doanh.

“DN sẽ phải thỏa mãn điều kiện về khai thuê hải quan hay vận tải hàng hóa, đồng thời phải có cái mũ điều kiện của ngành logistic nếu đăng ký kinh doanh theo tên này. Điều này là vô lý, vừa không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, vừa làm tăng chi phí tuân thủ của DN”, ông Tuấn phân tích.

Đây là lý do VCCI đưa logistics vào nhóm 16 ngành nghề kinh doanh đề nghị đưa ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Năm 2003, đã có 160 giấy phép không cần thiết được bãi bỏ. Nhưng sau đó vấn đề kiểm soát không được duy trì, dẫn đến tình trạng rất nhiều ĐKKD được bãi bỏ trước đây lại quay trở lại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Nhưng, đề xuất này lại không được ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ.

“Logistics đúng là có nhiều ngành dịch vụ tổng hợp, nhưng cần xác định ĐKKD chung cho cả ngành để tạo điều kiện cho quản lý và cấp phép đầu tư, tránh bị lợi dụng khi xin cấp phép đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics”, ông Tương lý giải và không đồng tình với việc loại bỏ ngành này ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thậm chí, ông Tương còn cho biết, Liên đoàn các hiệp hội giao nhận kho vận quốc tế còn có nhiều điều kiện khắt khe hơn với các thành viên của mình. “Phải có điều kiện làm cơ sở hoạt động cho DN, bảo vệ quyền lợi của khách hàng”, ông Tương nói.

Ông Tương còn đề nghị giữ nguyên điều kiện có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu trong ĐKKD với lý do đội ngũ nhân viên góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian cung cấp dịch vụ cho DN.
Có vẻ như người đại diện cho các DN trong lĩnh vực logistics này đang không rạch ròi trong khái niệm ĐKKD để quản lý nhà nước và các điều kiện hoạt động của hiệp hội, phục vụ nâng cao chất lượng của thành viên.

Kiểm soát quá mức?

Trong danh mục 16 ngành nghề kinh doanh đề nghị đưa ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, có khá nhiều cái tên có phần đầu giống nhau – bắt đầu bằng từ “kinh doanh”. Đây chính là lý do đề VCCI cho rằng cần phải xem xét lại cách thức kiểm soát các ngành nghề này.

Đó là kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thủy sản; kinh doanh thuộc bảo vệ thực vật; kinh doanh phân bón; kinh doanh giống cây trồng; kinh doanh giống thủy sản…

Phát hiện của VCCI trong các tên này là khi đưa cụm từ kinh doanh vào trước tên các ngành, nghề, phạm vi của ngành nghề được mở rộng, trải dài từ giai đoạn đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch.

“Và khi đưa cái tên này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có nghĩa là phạm vi kinh doanh bị giới hơn kéo dài ra tương ứng”, ông Tuấn làm rõ.

Đơn cử như ngành kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi. Với ngành này, khâu cần được quản lý bằng ĐKKD có lẽ là khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì đây là khâu sẽ có tác động đến chất lượng sản phẩm, từ đó tác động đến chất lượng vật nuôi, sức khỏe người sử dụng thực phẩm từ vật nuôi, thủy sản.

Nhưng vì gắn cụm từ kinh doanh vào ngành này, nên hoạt động buôn bán thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi cũng bị nhà nước can thiệp, dù không cần thiết.

Nếu có quyết tâm và một cách làm khoa học, nhanh nhất trong vòng 1 năm chúng ta có thể cải cách, rà soát được toàn bộ các ĐKKD”

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW 

Đặc biệt, đang có một số ngành, nghề kinh doanh không có phạm vi rõ ràng, cụ thể. Như kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương; kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.

Câu hỏi mà các chuyên gia của Luật Đầu tư, DN hay nhận được là đây là những thực phẩm nào, có phải là tất cả không. Bởi, rốt cuộc thì một loại thực phẩm hoặc sẽ thuộc lĩnh vực quản lý của bộ này, hoặc bộ kia, thậm chí của tất cả các bộ, chứ không có thực phẩm nào không thuộc quản lý của bộ nào cả. Sẽ có rất nhiều rối rắm cho DN trong thực thi quy định này nếu không có câu trả lời thống nhất cho các câu hỏi trên.

“Quan điểm của chúng tôi là vì ngành nghề kinh doanh có điều kiện đồng nghĩa với việc hạn chế phần nào đó quyền kinh doanh của DN, nên cần làm rõ phạm vi của mỗi ngành, nghề trong danh mục, tránh hiện tượng có nhiều cách diễn giải khiến phạm vi hạn chế bao trùm lên cả những hoạt động kinh doanh không cần thiết”, ông Tuấn yêu cầu.

Phải nói thêm, đúng một năm trước, VCCI là một trong những thành viên phản biện tích cực của 50 nghị định về ĐKKD nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho các quy định về ĐKKD.

Lần rà soát này có lẽ là bước tiếp theo để VCCI thực hiện mong muốn thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của DN.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và kiến nghị”, ông Tuấn nói.

 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: “Không thể xếp trọng tài vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện!”

Chưa thấy ở nước nào trên thế giới xếp trọng tài vào ngành nghề kinh doanh. Tôi phản đối việc xếp hoạt động của trọng tài thương mại vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Điều kiện để trở thành một trong tài viên thực sự khắt khe, về đạo đức, kiến thức, nhưng không phải là nghề kinh doanh, nghề đề kiếm tiền, nhà nước không nên quản lý trọng tài viên bằng ĐKKD. Còn chất lượng của trọng tài hãy để DN, đối tác đánh giá.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: “Đừng trở thành nỗi ám ảnh của DN!”

Trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh, như vận tải ô tô,  ĐKKD là cần, nhưng đừng trở thành nỗi ám ảnh của DN. Tôi cho rằng, mục tiêu quy định các ĐKKD trong vận tải ô  tô là để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho người sử  dụng dịch vụ, nhưng dường như các ĐKKD hiện hành và cả  đang dự thảo trong nghị định thay thế Nghị định 86 về  ĐKKD vận tải bằng ô tô cũng không đảm bảo mục tiêu này.

 Rồi việc quản lý nhà nước lúng túng khi xuất hiện các loại  hình vận tải mới cũng vậy, càng quản lý, càng lúng túng. Các DN taxi kinh doanh khó khăn do Uber, Grab hay do 13 vòng kim cô – là các ĐKKD – trên đầu? Quan điểm của tôi là không phải cấm cản Uber hay Grab mà là gỡ điều kiện cho kinh doanh taxi.

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Hải Dương: “ĐKKD làm tăng cơ hội phát sinh nhũng nhiễu”

Các DN đang khổ sở vì việc công khai các ĐKKD chưa theo quy trình, các điều kiện được công bố lẻ tẻ, mỗi ngành một ít, khiến chi phí tuân thủ pháp luật tăng cao, đi liền với đó là cơ hội phát sinh nhũng nhiễu.

Kể từ ngày 1/7/2017, theo Luật Đấu giá, DN kinh doanh ngành nghề đấu giá không còn được thành lập theo quy định của Luật DN và phải được đăng ký tại Sở Tư pháp.

Liệu đây có phải là một loạt ĐKKD mới không? Bởi như vậy, muốn hành nghề đấu giá, người ta dù có DN rồi vẫn phải đi thành một một DN mới, và DN này có lẽ chỉ sinh ra chỉ để kinh doanh 1 ngành nghề duy nhất là dịch vụ đấu giá.

Có thể bạn quan tâm