Buồn vui chuyện cổ tức ngân hàng

Câu chuyện trả cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt thì tốt hơn, đa số các cổ đông ở các ngân hàng cho rằng họ thích được nhận "tiền tươi thóc thật" hơn.
Buồn vui chuyện cổ tức ngân hàng

Vui như cổ đông 3 ngân hàng quốc doanh

Thực tế, các ngân hàng năm nay hầu hết đều trả cổ tức bằng cổ phiếu với lý do để tăng vốn điều lệ. Áp lực tăng vốn của các ngân hàng lại càng mạnh hơn bao giờ hết trong năm nay khi NHNN áp các giới hạn về an toàn mà ngân hàng không còn cách nào khác phải tăng vốn để đáp ứng. Câu chuyện trả cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt thì tốt hơn, đa số các cổ đông ở các ngân hàng cho rằng họ thích được nhận "tiền tươi thóc thật" hơn.

Bên cạnh việc một vài ngân hàng ngân hàng vừa chia nửa bằng tiền mặt nửa bằng cổ phiếu thì cổ đông của 3 ông lớn BIDV, Vietinbank và Vietcombank được nhận cổ tức toàn bộ bằng tiền mặt. BIDV và VietinBank cùng chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7%. Vietcombank chia cổ tức 8%.

Cổ tức tiền mặt là điều các ngân hàng quốc doanh chắc chắn phải làm, không cần bàn luận gì nữa vì Bộ Tài chính, cổ đông lớn nhất và cổ đông chi phối của cả ba ngân hàng trên đã có văn bản yêu cầu họ phải chia cổ tức tiền mặt.

Còn nhớ năm ngoái, dù ĐHĐCĐ của VietinBank và BIDV đã thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu song sau cùng cả hai lại phải trả cổ tức tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

"Tiền tươi thóc thật" vẫn hơn

Câu chuyện trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền thì tốt hơn, đa số các cổ đông ở các ngân hàng đều thừa nhận trả bằng tiền mặt vẫn tốt hơn.

Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này các ngân hàng đã tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ngoại trừ trường hợp của Sacombank hoãn sang tháng 5. Trong số những ngân hàng công bố chi tiết, có khoảng 5 ngân hàng trả cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu, 4 ngân hàng vừa cổ phiếu vừa tiền mặt và 4 ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt còn lại là không chia cổ tức.

OCB tổ chức ĐHĐCĐ vào sáng 19/4 và cổ đông đã thống nhất chia cổ tức 10%, trong đó có 5% tiền mặt. Trước đó, ngày 28/3, cổ đông LienVietPostBank đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2016 là 10%, trong đó có 4% tiền mặt và 6% bằng cổ phiếu. MB chia cổ tức 6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu.

ĐHĐCĐ ACB cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận để mua cổ phiếu thưởng nhân viên. Trong phương án phân phối lợi nhuận dự kiến năm 2017, ngân hàng này cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu, giữ nguyên tỷ lệ như năm 2016.

ĐHĐCĐ HDBank tổ chức hôm 21/4 cũng thống nhất chia cổ tức với tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu và 2% cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. SHB chia cổ tức bằng cổ phiếu 7,5%, Bắc Á chia cổ tức 8% bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, năm nay có nhiều ngân hàng chia cổ tức với tỷ lệ cao chót vót. Điển hình như VPbank chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 31,8%. VIB nhận cổ tức 5% bằng tiền mặt và 39,6% bằng cổ phiếu.

Hiểu nỗi lòng của các cổ đông đều mong được chia cổ tức bằng tiền mặt, lãnh đạo các ngân hàng mong cổ đông chia sẻ vì chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đem lại lợi ích bền vững cho ngân hàng và các cổ đông.

Chủ tịch ngân hàng SHB - ông Đỗ Quang Hiển cũng cho biết cổ đông của phần lớn các doanh nghiệp mong được chia bằng tiền mặt, đây là nguyện vọng chính đáng.

"Chúng tôi cũng là cổ đông và mong cổ đông chia sẻ. Chúng tôi lo cho 7 nghìn nhân viên, gần 4 vạn cổ đông và hơn 5 triệu khách hàng. Nếu chúng ta chia ngay thì 3-5 năm sau sự lớn mạnh của ngân hàng sẽ như thế nào? Cổ đông cũng thử ngồi vị trí của chúng tôi đi để hiểu nỗi lòng của chúng tôi", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề cổ tức ngân hàng, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, một số ngân hàng sẽ chia cổ tức năm 2016 từ 5 - 7%, nhưng vẫn có những trường hợp không chia cổ tức, do còn phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Theo ông Dũng, về yếu tố bền vững, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều cho cổ đông trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng sau khi trích lập dự phòng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

 Theo Kim Tiền/ Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm