Các bộ ngành TW và địa phương cam kết thành lập DN vượt mục tiêu của Chính phủ

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo cam kết của chính quyền các địa phương thì tới năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp.
Các bộ ngành TW và địa phương cam kết thành lập DN vượt mục tiêu của Chính phủ

Tại cuộc họp báo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai năm 2017 diễn ra chiều 08/05, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, một năm sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, 75% doanh nghiệp đánh giá các cơ quan chính quyền có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần 30% doanh nghiệp đánh giá chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu.

Thực tế vẫn cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp 2016 đã có khởi sắc hơn và niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh tốt hơn năm 2015. Cụ thể, 48% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ trong khu vực FDI cũng tương tự.

"Năm qua đã có những đột phá về tư duy, quan điểm, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển tư duy, quan điểm, cách thức trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn cần độ trễ nhất định, nhiều vướng mắc liên quan tới pháp luật chứ không chỉ trong điều hành, nên cần nhiều thời gian hơn”, ông Lộc cho biết thêm.

Chính vì vậy, VCCI cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 mà Chính phủ đề ra là hoàn toàn có thể đạt được.

Theo thống kê từ VCCI, đã có khoảng 200 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới Hội nghị năm nay, liên quan tới nhiều vấn đề đơn cử sự vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị còn nêu lên thực trạng thanh kiểm tra tại doanh nghiệp. Theo Nghị quyết 35, thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp chỉ diễn ra 1 năm 1 lần nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có doanh nghiệp bị tới 6,7 lần một năm. Trong số các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, thì có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo.

Ngày 17/5 tới, tại cuộc gặp gỡ, dự kiến sẽ có khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

Qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu.

Đây được coi là cơ hội để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình cũng như là thời điểm để các bộ, ban, ngành đưa ra phương án để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp theo như cam kết.

Có thể bạn quan tâm