Các ngân hàng “mắc kẹt” khi Ocean Group thua lỗ nghìn tỷ

Gánh nặng lỗ nghìn tỷ của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) tiếp tục “phình” to thêm trong năm 2016, lên tới 2.482 tỷ đồng. Các chủ nợ có lẽ cũng “méo mặt” khi khó thu hồi nợ xấu, còn tài
Các ngân hàng “mắc kẹt” khi Ocean Group thua lỗ nghìn tỷ

Ocean Group thua lỗ nghìn tỷ khiến các chủ nợ ngân hàng "khổ sở" thu hồi nợ xấu 

Hơn 2 năm sau khi biến cố ông Hà Văn Thắm, tình hình kinh doanh của tập đoàn Ocean Group và nhiều công ty thành viên vẫn nhuốm màu ảm đạm. Hai mã cổ phiếu OGC và OCH- Công ty CP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương từng là “ngôi sao sáng” trên sàn chứng khoán đã vụt tắt nhanh chóng, khiến nhiều cổ đông và các chủ nợ nhận cầm cố cổ phiếu này như “chết lặng”!

Lỗ luỹ kế 2.482 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2016, OGC ghi nhận doanh thu thuần 369,5 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp tăng 19% đạt hơn 109,4 tỷ đồng. 

Trong kỳ doanh thu tài chính giảm 37,3 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 25,5 tỷ đồng, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết bị lỗ 47,5 tỷ đồng… cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khách giảm đáng kể. Nhờ đó, OCG đã giảm bớt lỗ trong quý 4 chỉ còn lỗ gần 313 tỷ đồng so với mức lỗ 796 tỷ đồng của cùng kỳ quý 4/2015.

Luỹ kế cả năm 2016, doanh thu thuần của OGC đạt gần 1.184 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với năm trước. Tổng lỗ trước thuế đã vượt hơn 717 tỷ đồng dù mục tiêu đặt ra phải có lãi trước thuế 136 tỷ đồng (năm 2015 OGC có lãi trước thuế hơn 726 tỷ đồng).

Tính đến cuối năm 2016, tổng số lỗ luỹ kế của OGC tiếp tục tăng lên mức 2.482 tỷ đồng, khiến cho vốn chủ sở tiếp tục bị “teo tóp” chỉ còn lại 1.208 tỷ đồng so với mức vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản của OGC đến cuối năm 2016 đã bị giảm 13% xuống còn 6.031 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu chiếm tới hơn 2.826 tỷ đồng (chủ yếu là phải thu thu ngắn hạn hơn 2.011 tỷ đồng).

Điều đáng ngại là, mức độ thu hồi nợ từ các Khoản phải thu lên tới hàng nghìn tỷ của Ocean Group ngày càng khó khăn hơn. Báo cáo cho thấy, trong năm 2016, tập đoàn này đã phải tăng trích dự phòng rủi ro khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khó đòi thêm 670 tỷ đồng, lên tới 3.598 tỷ đồng. Tức số tiền trích lập dự phòng rủi ro vượt hơn 772 tỷ đồng so với số nợ phải thu (trích lập 170% số phải thu), cũng là điều khó hiểu ở tập đoàn đang thua lỗ nặng này?

Đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả toàn tập đoàn chỉ giảm nhẹ xuống còn 4.823 tỷ đồng, trong đó, chiếm tới 3.228 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, còn lại 1.595 tỷ đồng nợ dài hạn. OGC cũng đã “dọn dẹp” đáng kể nợ vay trên sổ sách, chỉ còn lại gần 1.593 tỷ đồng nợ vay tài chính và nợ phải trả tại 3 tổ chức tín dụng… Trước đó, OGC có khối nợ rất lớn tại 8 ngân hàng, công ty tài chính song đến cuối năm 2014 đã giảm đáng kể, chỉ còn dư nợ 2.430 tỷ đồng.

“Đắng lòng” vì cho vay, cầm cố cổ phiếu

Còn nhớ hồi tháng 10/2014, khi ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ocean Group cũng là Chủ tịch HĐQT OceanBank bị khởi tố, bắt giam, cả ngân hàng, tập đoàn và các công ty thành viên đều lao đao, mất cân đối tài chính, thua lỗ… Riêng OceanBank bị mua lại giá 0 đồng để tái cơ cấu vì lỗ âm vốn chủ sở hữu.

Chỉ trước đó chừng 2 tháng, OGC bất ngờ thông báo huỷ kế hoạch phát hành 980 tỷ đồng trái phiếu huy động vốn một cách khó hiểu. Dù trong nửa đầu năm 2014, việc vay vốn, phát hành trái phiếu của OGC vẫn diễn ra khá “êm xuôi”. Các tổ chức tín dụng như: Techcombank, HDbank, MaritimeBank, Oceanbank, Quốc Dân – NCB, EVNFC… vẫn “bơm” vốn cho OGC mà không hề có cảnh báo rủi ro nào được công bố ra thị trường.

Thậm chí, ngay trước thời điểm ông Hà Văn Thắm bị khởi tố, ngân hàng Quốc Dân –NCB vẫn cho OGC vay ngắn hạn 450 tỷ đồng để đầu tư dự án KĐT số 1 thuộc KĐT mới phía Nam TP Bắc Giang. Tài sản bảo đảm là 32 triệu cổ phiếu OCH (giá trị tại thời điểm kí Hợp đồng tín dụng là 564,5 tỷ đồng, tương ứng giá 17.640 đồng/CP) và 2,5 triệu cổ phiếu OceanBank.

Nhưng sau tin dữ, giá cổ phiếu OCH đã giảm mạnh mất tới 76% thị giá, còn cổ phiếu OceanBank có giá 0 đồng. Đến tháng 7/2015, NCB đã yêu cầu OGC phải bổ sung tài sản bảo đảm, nếu quá thời hạn sẽ bị giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ. Đến giờ, NCB vẫn chưa thu hồi được số dư nợ hơn 445 tỷ đồng của OGC. Giá cổ phiếu OCH gần đây mới hồi phục về mức 6.100 đồng/CP, song giá trị tài sản bảo đảm này chỉ bằng non nửa số nợ vay tại NCB.

Được biết, OGC đã cầm cố hơn 65,69 triệu cổ phiếu OCH với giá trị thời điểm thế chấp vay ước tính hơn 1.000 tỷ đồng để đảm bảo cho các khoản nợ vay tại nhiều ngân hàng, công ty tài chính, doanh nghiệp trong nước…

Nhưng sau đó, một số tổ chức tín dụng đã và đang “mắc kẹt” vì nợ vay khó đòi tại OGC. Đơn cử, đến cuối tháng 9/2014, OGC vẫn còn dư nợ vay và nợ phải trả tại Oceanbank (OGC từng sở hữu 20% vốn ngân hàng này) là hơn 1.085 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 558,5 tỷ đồng hồi cuối năm 2016.

Ngân hàng Maritime Bank cũng khổ sở vì thu hồi khoản nợ 500 tỷ đồng khi đầu tư vào trái phiếu OGC mà thực chất là khoản vay vốn. Ngân hàng đã yêu cầu OGC mua lại trái phiếu hoặc chuyển đổi cho nhà đầu tư khác để thu hồi vốn. Đến năm 2016, khoản nợ trái phiếu này mới được xử lý xong.

Công ty tài chính CP Điện lực (EVNFC) có lẽ phải “ngậm đắng nuốt cay” khi ứng trước 240 tỷ đồng cho OGC để nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu OCH. Song đến tháng 7/2015, cổ đông này đã tự động giải chấp toàn bộ 19,95 triệu cổ phiếu OCH để thu hồi số tiền 179,55 tỷ đồng, tức chấp nhận mất 25% giá trị khoản đầu tư.

Việc cho vay vốn lớn tại nhóm công ty thuộc OGC dẫn tới rủi ro nợ xấu, nợ khó thu hồi đang đặt ra vấn đề về trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hạn mức tín dụng, giải ngân và cảnh báo rủi ro của các tổ chức tín dụng?

Hải Hà

>> Không còn đột biến nhờ bán tài sản, Ocean Group lỗ tiếp 800 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm