Các 'ông lớn' Nhật Bản đổ bộ, thị trường bán lẻ, tiêu dùng Việt vào cuộc đua mới

Với sự góp mặt của nhiều tập đoàn danh tiếng từ Nhật Bản, cuộc đua trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ngành bán lẻ và đồ gia dụng tại Việt Nam sẽ đặc biệt sôi động.
Các 'ông lớn' Nhật Bản đổ bộ, thị trường bán lẻ, tiêu dùng Việt vào cuộc đua mới

Tham vọng của các "ông lớn" Nhật Bản

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2/114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với trên 3.400 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 44 tỷ USD.

Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 19 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và đang tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.541 dự án, tổng vốn đầu tư 33,54 tỷ USD); kinh doanh bất động sản (53 dự án, tổng vốn đầu tư 1,91 tỷ USD); sản xuất, phân phối điện, khí, nước (15 dự án, tổng vốn đầu tư 1,28 tỷ USD),...

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2016, các dự án đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực chế tạo Việt Nam đang sụt giảm đáng kể từ 30% xuống còn 20% tổng số dự án đầu tư mới. Trong khi đó, số dự án đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ, khách sạn, dịch vụ ăn uống đã tăng gấp đôi so với năm trước.

Từ thực tế thị trường cũng cho thấy, hàng loạt hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ăn uống của Nhật Bản như Aeon Mall, Family mart, Ministop, Takashimaya, 7– Eleven và mới đây là trạm xăng 100% vốn nước ngoài của đại gia Nhật Bản Idemitsu Kosan… đang lên kế hoạch gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam.

Nổi bật trong đó, "ông lớn" Aeon Mall đang cho thấy rõ tham vọng mở rộng mạnh mẽ hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hồi đầu năm 2017, Aeon Mall đã thông báo sẽ mở thêm trung tâm thương mại Aeon mới tại Hà Đông (Hà Nội), quy mô 200 triệu USD dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2019.

Đây cũng là trung tâm thương mại thứ 5 của Aeon tại Việt Nam sau khi tập đoàn này thử nghiệm thành công mô hình trung tâm thương mại kết hợp mua sắm, vui chơi giải trí.

Cho đến thời điểm hiện tại, Aeon đã rót khoảng 600 triệu USD cho 5 trung tâm này. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, tập đoàn này mới chỉ đi được 1/4 chặng đường trong mục tiêu thành lập tổng số 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2020.

Cùng với đó, Aeon cũng đẩy mạnh hợp tác, mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn trong nước, với mục tiêu hướng đến là 100 điểm thương mại. Hiện Aeon đã sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành AEON Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart.

Takashimaya, một ông lớn khác trong lĩnh vực bán lẻ Nhật cũng đã đầu tư khoảng 47 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2012 bao gồm Trung tâm thương mại Saigon Centre và nhiều bất động sản khác.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản 7-Eleven cũng tuyên bố sẽ có thêm khoảng 20 cửa hàng ra đời trong năm 2017 và sẽ tăng thành 100 cửa hàng trong 3 năm tiếp theo.

Bên cạnh những ông lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Mới đây, Quỹ đầu tư ACA Investments thuộc Tập đoàn Sumitomo đã rót vốn để nắm 20% cổ phần tại Công ty Bibo Mart...

Thị trường tiêu dùng tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Trao đổi với TheLEADER về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam, ông Akia Hizukuri, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy mạnh và mở rộng đầu tư, kinh doanh lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và dịch vụ tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực Việt Nam có tốc độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển cao.

"Với nền kinh tế tăng trưởng ổn định cùng với lợi thế về dân số đông, trẻ, năng động, Việt Nam đang là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư tại Nhật Bản", ông Akia Hizukuri nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO, nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và liên tục với tăng trưởng GDP hàng năm trên 6%, đi cùng với đó là sự tăng lên trong nhu cầu về các hàng tiêu dùng và sản phẩm gia dụng chất lượng cao. Do đó, thị trường bán lẻ, hàng tiêu dùng và dịch vụ của Việt Nam đã và đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Đặc biệt với các doanh nghiệp Nhật Bản, thị trường Việt Nam không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn mà ngay cả với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng theo ông Hironobu Kitagawa, cùng với việc phát triển hệ thống phân phối, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang bắt đầu chú trọng tới việc sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu nội địa của người dân Việt Nam.

Theo phân tích của ông Hironobu Kitagawa, các sản phẩm gia dụng chất lượng cao vốn là thế mạnh của Nhật Bản với các sản phẩm rất nổi tiếng như đồ làm bếp, chất tẩy rửa hay mĩ phẩm. Do đó, các công ty của Nhật Bản đang rất mong muốn tiến đến thị trường Việt Nam, một thị trường lớn với gần 100 triệu dân cùng với tiềm năng mở rộng ra nước ngoài, nhấn mạnh.

Được biết, vừa qua, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO đã tổ chức sự kiện “Good Goods Japan 2017” nhằm kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang kinh doanh mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, tạp hóa với các đơn vị nhập khẩu cũng như kinh doanh bán buôn, bán lẻ của Việt Nam nhằm giới thiệu và đưa những sản phẩm gia dụng Nhật Bản chất lượng cao vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình hợp tác thương mại giữa hai nước.

Theo Theleader

Có thể bạn quan tâm