Các tổ chức tín dụng cân đối vốn cho vay xuất khẩu gạo

Đây là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Các tổ chức tín dụng cân đối vốn cho vay xuất khẩu gạo

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung sau: Chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay kịp thời các nhu cầu vốn quy định, đảm bảo phù hợp với quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa giảm quá thấp bất hợp lý, không phù hợp với giá thóc định hướng quy định, tổ chức tín dụng áp dụng biện pháp cụ thể để điều tiết thị trường, góp phần hạn chế thiệt hại cho người sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Theo báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNN, lũy kế 9 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt gần 5 triệu tấn và 2,5 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Hiện thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm 23,2% thị phần trong 8 tháng đầu năm. Bộ NN & PTNNT cũng dự báo thị trường lúa gạo trong nước sẽ khởi sắc trong quý IV/2018 do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước như Philippines, Indonesia tăng để bù đắp sản lượng thiệt hại do thiên tai và nhu cầu tiêu thụ thường tăng vào các tháng cuối năm.

Có thể bạn quan tâm