Cần 1.700 tỷ dán tem bia để chống thất thu thuế

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về nội dung đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối vối sản xuất và kinh doanh bia, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cần 1.700 tỷ dán tem bia để chống thất thu thuế

Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất bia ở Việt Nam đã trở thành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 2,7% cho ngân sách Nhà nước hàng năm.

Nhiều cơ sở sản xuất mới được xây dựng, công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu, phong phú về chủng loại, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, thị trường bia Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước, như thiếu thông tin chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liên kết với quy mô lớn, tình trạng nhập lậu, bia giả, gian lận thương mại, thất thu thuế…

“Tuy không có số liệu chính xác, nhưng theo tính toán của các chuyên gia, thì chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế với sản lượng thực tế lên tới 7-10%. Nếu tạm tính theo tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2016 từ sản phẩm bia là 30.000 tỷ đồng thì số tiền thất thu thuế từ 2.100 - 3.000 tỷ đồng”, Bộ Công Thương tính toán.

Bộ cũng khẳng định thời gian tới Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại hai doanh nghiệp lớn ngành bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Khi đó, nếu không kiểm soát được quy mô, sản lượng sản xuất…, sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thu ngân sách.

Theo thống kê, năm 2016, các nhà máy bia trên cả nước đã sản xuất 3,78 tỷ lít/năm, mức tiêu dùng bia bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 34,3 lít/người/năm. đứng vị trí số 52 trên thế giới.

Tuy nhiên, sản xuất bia trong những năm gần đây đã có dấu hiệu đi xuống, tốc độ tăng trưởng từ 12%/năm của giai đoạn 2005 - 2010 đã xuống còn 7,5%/năm vào giai đoạn 2011 - 2015.

Để giải quyết tình trạng thất thu thuế, đề án của Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp tổng thể cho việc dán tem bia. Theo đó, sẽ có hai hình thức là tem bia bằng giấy dán dùng cho các loại bia chai, bia thùng, bia keg, bia nhập khẩu và in phun nhãn bia dùng cho sản phẩm bia lon. Thời gian thực hiện đề án trong 10 năm.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành mỗi sản phẩm tem giấy chưa bao gồm thuế VAT là 179 đồng. Giá này đã bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, vận hành, phần mềm quản lý, khấu hao thiết bị đầu tư, chi phí vật liệu chính, vật liệu tiêu thụ…

Với mỗi tem bia in phun trực tiếp lên bia lon, chi phí là 145,44 đồng, chưa bao gồm VAT.

Chi phí tem bia này sẽ được tính là chi phí hợp lý, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và loại trừ khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Số tiền cần chi ra để dán tem lên đến 1.700 tỷ. Trong khi con số tiền thu thuế có thể thu lại được rơi vào 2.100 - 3.000 tỷ mỗi năm. Hai con số này đang gây nên tranh cãi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và dư luận.

Có thể bạn quan tâm