Cần có chương trình quốc gia để ngăn chặn tín dụng đen

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tín dụng đen là vấn nạn quốc gia nên cần có chương trình hành động mang tính quốc gia để ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen.
Cần có chương trình quốc gia để ngăn chặn tín dụng đen

Theo PGD.TS Đặng Ngọc Đức, tín dụng đen đang chiếm 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong giai đoạn 2015-2018, toàn quốc xảy ra trên 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. 

Thực tế, trong thời gian qua, dù Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp, những quyết sách ngăn chặn tín dụng đen, song theo ông Đức những giải pháp này mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý. Trong khi đó, tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường hay nói cách khác là cung – cầu về vốn.

Người vay biết một số rủi ro khi vay từ tín dụng đen nhưng vẫn vay vì không còn lựa chọn nào khác (38% biết lãi suất cao, 27% biết không có chính quyền làm chứng, 28% không biết cách tính lãi; 33% biết phải cung cấp thông tin về thân nhân; 25% vì mục tiêu sử dụng vốn phi pháp – không thể vay được ở đâu khác).

PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho rằng, để thực sự đẩy lùi được tín dụng đen, điều quan trọng nhất hiện nay là phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn chính đáng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng được tài chính chính thống.

Theo đó, từ phía các ngân hàng thương mại, hiện các ngân hàng thương mại muốn cho vay, muốn làm các dịch vụ công đồng để làm thế nào đẩy lùi tín dụng đen đảm bảo an ninh chính trị… đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.Tuy nhiên, ngân hàng thương mại vẫn vướng bởi các chuẩn cho vay. Hiện tại, các ngân hàng đang phải phấn đấu theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế và các quy định của Ngân hàng Nhà nước như Thông tư 41 có hiệu lực vào tháng 1 tới đây.

Từ những khó khăn trên, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức kiến nghị, cần có chương trình quốc gia để giải quyết với các giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của nhiều chủ thể liên quan. Điều này rất cần sự chung tay của năm “nhà” là: các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, người dân, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, cùng với đó là các cơ quan an ninh, truyền thông, tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ.

Ngoài ra, vị này còn cho rằng, để hạn chế tín dụng đen thì các cơ quan quản lý nên hạn chế cho vay bằng tiền mặt, kết nối dịch vụ cho vay, sản phẩm cho vay với các dịch vụ công. Giả sử như người dân muốn vay tiền để khám chữa bệnh thì tổ chức cho vay có thể kết nối, trả thẳng cho bệnh viện, tránh để người dân sử dụng vốn vay sai mục đích, có thể gây nợ xấu.

Cùng với vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đề nghị cần có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay dưới chuẩn. Bởi hiện các đối tượng tìm đến tín dụng đen thường là một bộ phận người dân nghèo, không có tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nên để hỗ trợ người dân tránh xa tín dụng đen thì nên đưa ra quy định cho vay dưới chuẩn. Các ngân hàng sẽ cân đối, đưa ra sản phẩm nằm trong ngưỡng an toàn.

Có thể bạn quan tâm