Cần ngay những điều này để cứu thị trường chứng khoán hiện nay

Thị trường chứng khoán thời đang trải qua giai đoạn "khủng hoảng". Nhà đầu tư thì hoang mang, "ngơ ngác",... Vậy cần phải làm gì để cứu thị trường tránh rơi vào sự sụp đổ như năm 2010?

"Cơn lốc" call margin...

Thị trường chứng khoán vừa trải qua 3 phiên ngược dòng đầy ngoạn mục với hàng loạt cổ phiếu đổi màu từ xanh lơ sang tím. Kết phiên giao dịch ngày hôm nay (18/11), VN-Index tiếp tục tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,01%) lên 969,33 điểm. HNX-Index tăng 3,01 điểm lên 190,87 điểm; UpCOM-Index tăng 0,61 điểm lên 67,15 điểm.

Sắc xanh áp đảo hoàn toàn với 626 mã tăng điểm, trong đó có tới 162 mã tăng hết biên độ. Ngược lại, chiều giảm giá vẫn có tới 355 mã giảm sàn.

Nhưng điều này vẫn chưa thể khiến các nhà đầu tư lấy lại niềm tin hay xua tan nỗi lo bán tháo hàng loạt cổ phiếu. Nhất là khi các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định như: Thị trường chưa thể xác lập vùng cân bằng; tình trạng chênh lệch cung cầu vẫn chưa có lời giải; áp lực bán giải chấp vẫn còn hiện hữu,...

Bởi ước tính chỉ trong vòng nửa tháng 11/2022, vốn hóa của sàn TP. Hồ Chí Minh đã giảm gần 19 tỉ USD. Chuyên gia Dragon Capital - ông Lê Anh Tuấn cho rằng nhịp giảm này lớn hơn mức giảm khoảng 35% trong chu kỳ 2011 – 2018. 

thị trường chứng khoán

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11/2022, gần 400 mã "nằm sàn", VN-Index đã chạm đến 900 điểm

Các chỉ số đại diện chứng khoán Việt Nam đã nhiều lần "đội sổ" trên bảng xếp hạng thế giới. Diễn biến tiêu cực bao trùm toàn thị trường, nhất là khi cơn lốc call margin (bán giải chấp cổ phiếu) càn quét, chứng khoán suýt thủng mốc 900 điểm.

Hành động call margin của các công ty chứng khoán đã đẩy cả trăm cổ phiếu bị kéo về giá sàn hoặc rớt giá thảm hại sau đó. Tình trạng này đã kéo dài tới 8-9 phiên, khiến các nhà đầu tư thị trường chứng khoán trở nên "hoảng loạn".

Không nhóm ngành nào đủ lực đi ngược thị trường chung, kể cả với những cổ phiếu có vốn hoá lớn, kinh doanh ổn định như: Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), FPT, Vinamilk (VNM),...

Trước những diễn biến này, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI nhận định: Dưới góc độ phân tích kỹ thuật đà giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên tới và các mốc hỗ trợ tâm lý hiện không nhiều ý nghĩa khi tình trạng chênh lệch cung cầu vẫn chưa có lời giải.

Còn Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC thì cho rằng: "Với động thái hỗ trợ chưa thấm với đà giảm và áp lực “giải chấp” vẫn còn hiện hữu, thị trường vẫn cần thêm thời gian để có thể cân bằng".

Nỗi sợ của thị trường chứng khoán...

Trong thực tế, khi ngưỡng call margin (là trường hợp công ty chứng khoán đề nghị khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp) xảy ra nhưng nhà đầu tư không kịp bổ sung tài sản đảm bảo, các công ty chứng khoán có thể bắt đầu bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục đầu tư mà không bắt buộc phải hỏi ý kiến nhằm thu số tiền đã cho vay.

Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng liên tục loại bỏ các cổ phiếu ra khỏi danh mục được phép vay ký quỹ.

Từ đó càng khiến tâm lý nhà đầu tư lo lắng và áp lực bán ra bằng mọi giá gia tăng. Dẫn đến, lượng cung bán ra một cách "điên rồ" trên tất cả các loại cổ phiếu. Nếu trong trường hợp chỉ bán, không có người mua thì sẽ ảnh hưởng thiệt hại hơn năm 2008.

thị trường chứng khoán
Call margin - Nỗi sợ của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán 

Anh Thái Phạm, doanh nhân, nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, trong trường hợp, các công ty chứng khoán bán đổ và thu đủ số tiền về thì coi như các công ty này đã an toàn. "Nhưng nếu họ cứ bán và tạo sự hoảng loạn như hiện tại thì đến một thời điểm nào đó, các công ty chứng khoán cũng sẽ không thu đủ số tiền cho vay. Dẫn đến bị thua lỗ và sau đó là phá sản".

Minh chứng, nhiều phiên thị trường rớt sâu thảm hại, nhưng giao dịch cũng không tăng cho thấy những người đang nắm giữ tiền mặt cũng chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường này.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tình trạng cả thị trường cổ phiếu, lẫn trái phiếu sụt giảm mạnh, thanh khoản thấp kéo dài rất nguy hiểm đối với cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế nói chung.

Đó là chưa kể sẽ có tình trạng “chảy máu” trên thị trường vốn, nhiều doanh nghiệp bị âm thầm thâu tóm với giá rẻ từ các nhà đầu tư nước ngoài… Điều này đang diễn ra rất rõ trên thị trường chứng khoán. Ngược với sự lo sợ của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài liên tục quay sang gom mạnh cổ phiếu trong những ngày qua.

Tính từ đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 6.800 tỷ đồng, trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn đang loay hoay trong vòng xoáy call margin. Dòng vốn từ khu vực Đông Á và Thái Lan vẫn “ồ ạt” chảy vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF như Fubon ETF, Diamond ETF, VN30 ETF,…

Đồng tình với chuyên gia Hiếu, nhiều nhà đầu tư cho rằng, những ai từng trải qua thị trường chứng khoán 2010 thì sẽ rõ. Thị trường chứng khoán tăng sốc ồ ạt cho margin 1-9, 2-8, 3-7 sau đó sụp đổ từ giữa năm.

Các công ty chứng khoán đồng loạt cắt dần margin về 20-30-40-50%. Kết quả, hàng loạt công công ty chứng khoán "đi viện". Tệ hại hơn, có những công ty chứng khoán mất hàng nghìn tỷ đồng và phải trích lập dự phòng rất nhiều năm mới trở lại như cũ.

Điều nên làm bây giờ cho thị trường chứng khoán Việt Nam....

Trong bối cảnh thị trường giao dịch trong trạng thái tiêu cực, nhà đầu tư đặt câu hỏi vì sao mức giảm đợt này lớn như vậy và giải pháp gì cứu cánh cho thị trường chứng khoán?

Theo Chuyên gia Dragon Capital - ông Lê Anh Tuấn, ngoài áp lực về lạm phát, chính sách tiền tệ, đầu tư công, mặt bằng lãi suất thì yếu tố cốt lõi nhất ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán hiện nay là cung tiền.

thị trường chứng khoán
Chuyên gia Dragon Capital - ông Lê Anh Tuấn

"Nếu nhìn trong giai đoạn 2006 – 2022, chúng ta sẽ thấy cung tiền hiện tại chỉ tăng 6,5%, thấp nhất trong lịch sử gần 20 năm. Đây chính là yếu tố giải thích vì sao những yếu tố vĩ mô khác của Việt Nam rất tốt nhưng chứng khoán vẫn giảm rất sâu", ông Tuấn cho hay.

Một lý do khác khiến thị trường giảm sâu đó là thị trường trái phiếu “đóng băng” trong 3 – 4 tháng gần đây. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực từ hai phía đó là thị trường trái phiếu và cung tiền.

Để giải quyết tình trạng này, ông Tuấn chia sẻ, thanh khoản giảm khá đột ngột khiến nền kinh tế có những cú sốc hoặc là những cú kỳ vọng chính sách có thể xảy ra dẫn tới nền kinh tế đâu đó có sự khó đoán hơn.

"Tuy vậy, tôi cho rằng đây là những vấn đề mang tính chính sách, chỉ cần chúng ta có những thay đổi chính sách nhất định thì vấn đề này sẽ được giải quyết”, ông Tuấn nói.

Còn theo anh Thái Phạm, doanh nhân, nhà đầu tư chứng khoán, các công ty chứng khoán cũng nên phải ngồi lại với nhau. Cụ thể là với tư cách là một hiệp hội, cùng với khách hàng mà các công ty ấy cho vay margin/ký quỹ/ thế chấp phát hành trái phiếu để xử lý vấn đề của cổ phiếu call margin chéo, tình trạng giải chấp cổ phiếu hiện tại.

"Bởi nếu không làm vậy thì nguy cơ âm vốn, phá sản và mất thanh khoản hàng loạt hoàn toàn có thể xảy ra. Bài học năm 2008 còn rất rõ. Thanh khoản không còn, call margin chéo đồng loạt, âm vào vốn chủ vì bán giải chấp không được là một tai nạn không nên xảy ra. Đoàn kết là sống và chia rẽ là chết", anh Thái cho hay.

Chưa kể, hiện nay, một số công ty mạnh có thể tranh thủ thâu tóm hay thôn tính các công ty nhỏ... có thể là tính toán của một số đại gia hiện tại. Nhưng hệ lụy nếu điều này xảy ra cho công ty chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam là quá lớn. Rất cần vai trò của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay hiệp hội các công ty chứng khoán vào cuộc hoặc vai trò điều tiết của một người đứng đầu các công ty chứng khoán trên danh nghĩa.

Vì khi có sự đồng nhất thì thị trường chứng khoán mới có sự liên kết đồng bộ, trong sạch. Tránh tình trạng, "mạng người nào người đó lo", sẽ dẫn tới hoảng loạn thị trường và cùng kéo nhau xuống.

Do đó, việc sử dụng margin sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội gia tăng lợi nhuận nhưng cũng đẩy rủi ro trong trường hợp xu hướng giá cổ phiếu không như dự báo. Vì thế, các công ty chứng khoán, chuyên gia thường khuyên các nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi sử dụng, đồng thời phải có biện pháp kiểm soát rủi ro.

“Ở điểm cực đại của con lắc là thời điểm đen tối nhất. Nó đòi hỏi khả năng phân tích, tính khách quan, quyết tâm, thậm chí là sáng tạo để nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn.

Một số ít người sở hữu những phẩm chất đó có thể kiếm được lợi nhuận bất thường và với rủi ro thấp. Nhưng ở một cực điểm khác, mà khi tất cả mọi người đều giả định và giá cả không thể cải thiện mãi mãi là giai đoạn được thiết lập cho những khoản thua lỗ đau đớn” – Howard Marks.

Có thể bạn quan tâm