Cần sớm loại bỏ phân lô bán nền tại các địa phương

Chuyên gia cho rằng, để khuyến khích sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai tại các địa phương, với cơ chế phân lô bán nền đấu giá ở các địa phương cần sớm loại bỏ, chính sách này không còn phù hợp.
Cử tri Bình Phước kiến nghị cần xây tỉ lệ nhà nhất định trên dự án phân lô bán nền, tuy nhiên chuyên gia hiến kế cần loại bỏ hình thức này tại các địa phương. (Ảnh: Int)
Cử tri Bình Phước kiến nghị cần xây tỉ lệ nhà nhất định trên dự án phân lô bán nền, tuy nhiên chuyên gia hiến kế cần loại bỏ hình thức này tại các địa phương. (Ảnh: Int)

Xây nhà tỉ lệ nhất định trên dự án

Cử tri tỉnh Bình Phước đã gửi kiến nghị tới Bộ Xây dựng đề xuất về giải pháp chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan ở tỉnh này.

Theo phản ánh từ cử tri, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Đất đai quy định đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và khu đô thị có nhà ở trong một số trường hợp được thực hiện phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu.

Tuy nhiên, thực tế xuất hiện vấn đề đất nền phân lô các dự án khu dân cư tương đối nhiều nhưng nhiều trường hợp mua bán đất để đầu cơ chứ không có nhu cầu xây dựng nhà để ở.

Đặc biệt, khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội sau khi đã đầu tư hoàn thành, đất nền đã phân lô, nhưng lại để trống không sử dụng nên dẫn đến lãng phí về mặt xã hội.

Trong khi đó, một bộ phận người thu nhập thấp không có nhà ở, các dự án là nhà ở thì các nhà đầu tư ít quan tâm đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật cũng không ràng buộc việc phải xây dựng nhà ở nên sản phẩm chính của dự án là nhà ở thì không có, dẫn đến sự thiếu hụt về nhà ở.

Do vậy, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Trong đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, quy định các chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng số lượng căn nhà với một tỷ lệ nhất định (tối thiểu 10-30%) trên tổng số các lô đất của toàn dự án.

Đáp ứng được điều kiện này dự án mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội..

Cần sớm loại bỏ

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, quy định pháp luật hiện hành cho phép các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và khu nhà ở trong một số trường hợp được áp dụng việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để xem xét việc có áp dụng quy định nêu trên hay không thì UBND cấp tỉnh cần căn cứ điều kiện, nhu cầu phát triển đô thị tại từng địa phương và sự phù hợp trong đề xuất của từng chủ đầu tư trước khi quyết định cho phép áp dụng, nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý Nhà nước trong đầu tư phát triển đô thị theo quy định.

Trường hợp UBND cấp tỉnh cho phép các dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, thì UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo việc đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan có liên quan và chủ đầu tư đã được quy định, theo Bộ Xây dựng.

Trao đổi với báo chí về tình trạng phân lô bán nền, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, với cơ chế phân lô bán nền đấu giá ở các địa phương cần sớm loại bỏ. Chính sách này không phù hợp để khuyến khích sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Bởi địa phương đua nhau phân lô bán nền, đấu giá xong thì chôn tiền, đầu cơ để đó làm đất hoang hoá.

Vị chuyên gia cho rằng, hiện tượng sốt đất thời gian qua xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ.

Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Bỏ tiền vào bất động sản để khi tăng giá thì bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế.

Ông Võ cho biết, để tránh những trường hợp kích giá ảo thị trường, cần phải hoàn chỉnh pháp luật một cách chặt chẽ về đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng nhà đầu tư tham gia đấu giá thì phải có trách nhiệm tài chính đảm bảo.

Có thể bạn quan tâm