Cẩn trọng trước nguy cơ "sốt giá" bất động sản năm 2022?

Bộ Xây dựng nhận định, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022.
Bộ Xây dựng lo ngại việc giá bất động sản tăng cao hồi năm 2021, có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. (Ảnh: Int)
Bộ Xây dựng lo ngại việc giá bất động sản tăng cao hồi năm 2021, có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. (Ảnh: Int)

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 56/63 tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan, Bộ Xây dựng đã tổng hợp tình hình thị trường bất động sản quý IV/2021 và năm 2021. Trong đó đáng chú ý Bộ Xây dựng đã có những phân tích và đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo, bất thường và hoạt động đấu giá đất.

Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng, Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn của kinh tế Việt Nam với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thị trường BĐS chịu ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng loạt dự án phải tạm dừng xây dựng...

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đẩy mạnh thi công các dự án đầu tư công trên cả nước để ngăn chặn tác động tiêu cực, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Cùng với đó, việc điều hành tín dụng với lãi suất cho vay trong năm 2021 tiếp tục giảm và ở mức khoảng 8-10%/năm, lãi suất gửi tiết kiệm ở mức thấp khoảng 5-6%/năm đã góp phần kích thích việc vay vốn để mua nhà cũng như đầu tư bất động sản khi tiềm năng tăng giá bất động sản có thể đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm và đầu tư sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh còn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp như hiện nay.

Về giá nhà ở và một số loại bất động sản, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5–7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Đặc biệt, tại thời điểm cuối Quý I đầu Quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP HCM; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại TP Đà Nẵng,…).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370/BXD-QLN ngày 24-12-2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản,... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường. 

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022.

“Đặc biệt khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009)”, Bộ Xây dựng cho hay.

Về cấp tín dụng BĐS, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 30/11/2021, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 690.075 tỷ đồng (tính đến 30/9/2021 là 682.594 tỷ đồng). Theo đánh giá, tỷ lệ dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng (hiện khoảng 7%) vẫn trong ngưỡng an toàn. Trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD (gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng); lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 - 13%/năm. Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Đánh giá về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỷ USD (chiếm 8,3%). So với năm 2020 thì dòng vốn đổ vào lĩnh vực kinh doanh BĐS giảm khoảng 1,6 tỷ USD. Nguyên nhân giảm là do tác động của đại dịch Covid. Tuy nhiên, với tiềm năng và môi trường đầu tư được cải thiện thuận lợi hơn, dòng vốn này sẽ được khơi thông, phát triển khi dịch bệnh được khống chế.

Về lượng tồn kho bất động sản, tổng hợp đến cuối năm 2021, số lượng nhà ở đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2021 ước tính vào khoảng 2.286 căn hộ, ít hơn nhiều so với năm 2020…

Có thể bạn quan tâm