Cao Su Phước Hoà “khiêm tốn” lợi nhuận, nhóm cổ phiếu cao su tăng tốc

Dù giá cao su có xu hướng tăng cao song CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) lại đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn 271 tỷ đồng. Các cổ phiếu cao su PHR, DPR, TRC, HAG, HNG… bất ngờ quay đầu tăng mạnh.
Cao Su Phước Hoà “khiêm tốn” lợi nhuận, nhóm cổ phiếu cao su tăng tốc

Cao Su Phước Hoà giảm mục tiêu lợi nhuận năm 2017, cổ tức giảm về 15% 

Giảm chỉ tiêu lợi nhuận, cổ tức 15%

Theo Biên bản cuộc họp, đến thời điểm khai mạc ĐHCĐ, có 162 cổ đông và người uỷ quyền tham dự, nắm giữ 59,38 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 75,66% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, ĐHCĐ đủ điều kiện tiến hành.

Tại cuộc họp, Ban điều hành đã báo cáo với cổ đông về kết quả kinh doanh năm 2016, trình kế hoạch năm 2017, xem xét thông qua các báo cáo tài chính kiểm toán của năm 2016, báo cáo thẩm tra của Ban kiểm soát…

Theo báo cáo, năm 2016, PHR ghi nhận sản lượng khai thác đạt gần 16.407 tấn, sản lượng thu mua đạt 14.424 tấn. Sản lượng tiêu thụ đạt 30.874 tấn. Giá bán bình quân ở mức 30,84 triệu đồng/tấn cao su, cao hơn mức giá vốn. Cả năm công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất là 1.357 tỷ đồng, vượt gần 42% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 220 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ đạt 1.278 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 258 tỷ đồng.

Sau khi trích lập các quỹ, HĐQT trình phương án chia cổ tức năm 2016 ở mức 18% trên mệnh giá bằng tiền mặt. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ tức năm nay dự kiến thấp hơn chỉ ở mức 15%.

Các cổ đông đã chất vấn vì sao lợi nhuận giá cao su đang tăng mà công ty chỉ đặt mục tiêu kinh doanh năm 2017 “khiêm tốn” với doanh thu gần 1.328 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 271,3 tỷ đồng?

Ban lãnh đạo PHR lý giải, năm 2016 lợi nhuận từ kinh doanh cao su thấp, chủ yếu lãi đến từ thanh lý cao su và nhận tiền đề bù khu công nghiệp. Hai khoản lãi này sẽ giảm trong năm 2017 nên công ty đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn.

Giá bán cao su năm 2017 theo định hướng của Tập đoàn Cao su Việt Nam là 35 triệu đồng/tấn, giá thành là 29 triệu đồng/tấn. Và PHR sẽ tính toán chi phí lương phù hợp để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài.

Về việc đầu tư mở rộng KCN Tân Bình đang được cổ đông quan tâm, lãnh đạo PHR cho biết, dự án đang trong quá trình xin chủ trương đầu tư và khi được chấp thuận sẽ đầu tư cuốn chiếu. Giá cho thuê hiện tại KCN Tân Bình đang dao động từ 48-50 USD/m2 và có xu hướng tăng dần lên.

Về dự án tại Đắc Lắk, tập đoàn Cao Su Việt Nam có chủ trương trước mắt trồng rừng, và vẫn đang tìm kiếm đối tác để liên kết đầu tư.

Tình hình đầu tư tại KCN Nam Tân Uyên, PHR cho biết, đem về khoản lợi nhuận 41,5 tỷ đồng nhưng do trong năm công ty có nhận cổ tức khoảng 17 tỷ nên số liệu hợp nhất còn khoảng 24 tỷ đồng.

Dự án đầu tư tại Campuchia, dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý trong năm 2017, mở cạo mới khoảng 1.500ha, gia công chế biến tại công ty Tân Biên Kampong Thong. Năm 2018 sẽ đầu tư nhà máy chế biến.

Tại thời điểm 31/12/2016, PHR đạt tổng tài sản 3.860 tỷ đồng, tổng nợ phải trả gần 1.565 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức gần 2.296 tỷ đồng…

ĐHCĐ cũng đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đức Thắng, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát với ông Hồ Ngọc Nam, bầu bổ sung ông Nguyễn Văn Tược vào HĐQT.

Cổ phiếu cao su "ấm" dần?

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu PHR tăng nhẹ trong hai phiên gần đây, chốt phiên 17/3 ở mức 30.450 đồng/CP. Trước đó nhiều phiên PHR giảm mạnh từ mức 32.000 đồng/CP xuống mức thấp nhất 28.500 đồng/CP ở thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Trong nhóm cổ phiếu ngành cao su, PHR hiện được đánh giá là cổ phiếu chất lượng, có khả năng tăng giá trong trung hạn với kỳ vọng đạt 38.000 đồng/CP theo nhận định của công ty chứng khoán.

Trong ba phiên gần đây, cặp đôi HAG- HNG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ, trong đó, HAG tăng mạnh từ mức 7.850 đồng/CP lên mức 9.100 đồng/CP phiên hôm nay, còn HNG tăng vọt từ 9.300 đồng/CP lên hơn 10.300 đồng/CP. Mức tăng giá của hai mã này vượt trên 14%, khối ngoại đẩy mạnh mua vào.

Sự bứt phá của cặp đôi HAG- HNG được hỗ trợ bởi thông tin tích cực từ các chủ nợ ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu nợ cho tập đoàn này trước đó, khiến cho tâm lý nhà đầu tư ổn định, thanh khoản tốt hơn và cầu mua quay trở lại.

Theo BCTC hợp nhất quý 4, đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của toàn tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tăng mạnh lên tới 36.103 tỷ đồng, tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm trước.

Nhưng 7 chủ nợ ngân hàng đã đồng ý cơ cấu lại 12.360 tỷ đồng nợ trái phiếu cho HAG trong khoảng 10 năm tới tính từ năm 2017-2026. Cụ thể, chủ nợ BIDV và BSC đã cơ cấu lại khối nợ trái phiếu 6.546 tỷ đồng này mới được phát hành ngày 31/12/2016, với thời gian đáo hạn từ ngày 31/12/2021 đến 31/12/2026. Công ty Chứng khoán của ngân hàng VPBank cũng đã cơ cấu lại nợ 1.614 tỷ đồng trái phiếu (phát hàng ngày 28/11/2014) được giãn thời gian đáo hạn tới khoảng thời gian từ ngày 28/11/2019 đến 28/11/2021.

Khoản nợ trái phiếu 600 tỷ đồng do VPbank và công ty chứng khoán FPT đầu tư (phát hành 27/8/2015) cũng được đáo hạn trả nợ tới ngày 1/8/2019 đến ngày 1/8/2021.

Trong khi đó, mấy phiên gần đây, cổ phiếu TRC cũng bứt phá từ mức 31.800 đồng/CP lên 33.000 đồng/CP phiên hôm nay.

Hải Hà

>> Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ 1.400 tỷ đồng, “đảo nợ” trái phiếu 12 nghìn tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm