Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần biến lời nói thành hành động

Mặc dù các phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đều đạt được mục tiêu nhưng thực tế mới chỉ đạt về số lượng, chưa đạt về chất lượng.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần biến lời nói thành hành động

Sáng 31/7, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trung bình, mỗi năm các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, có từ 10-20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ.

Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền trung ương có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến các doanh nghiệp, ông Lộc nói.

"Tại Quốc hội tôi đã từng phát biểu con đường dài nhất Việt Nam không phải  từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động", Chủ tịch VCCI phát biểu.

Có nhiều phương án đưa ra các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách quyết liệt, trong đó con số bãi bỏ điều kiện kinh doanh khá cao. Ví dụ, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT; Điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ, tổng số điều kiện là 127, đề xuất bỏ 80 điều kiện, sửa 7 điều kiện, đạt tỷ lệ 68,5%; Điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tổng số điều kiện là 78, đề xuất bỏ 47 điều kiện, sửa đổi 11 điều kiện, đạt tỷ lệ 74,36%

Có cùng nhận định, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, những hành động để hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm 2018 rất phong phú. Đây là những hành động “tấn công” trực diện vào những rào cản đối với các hoạt động của doanh nghiệp, đối với các sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp làm ra hay đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp...

Theo ông Tuấn, nói về những cải cách, không thể không nhắc tới những nghị định mới về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt là về kinh doanh khí và kinh doanh xuất khẩu gạo.

Hay với vấn đề tháo gỡ các điều kiện kinh doanh, thì những quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng là trọng tâm cải cách pháp luật kinh doanh của Chính phủ phù hợp với kinh tế thị trường.

Ông Tuấn đưa ra một số ví dụ điển hình, đầu năm 2018, một số quy định có tác động lớn đến các doanh nghiệp liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá cũng đã được ban hành, mang đến làn gió cải cách đáng khích lệ cho lĩnh vực vốn rất bất cập nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức này.

Cụ thể là Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm. Đây thực sự là một "cuộc cách mạng" và mang đến những lợi ích to lớn cho hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp thực phẩm vốn đang rất vất vả với các thủ tục, quy trình về an toàn thực phẩm. Hay Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá...

Mặc dù vậy, trên thực tế, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến. Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ. Các điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng, phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền quản lý, cấp phép cũng tạo ra dư địa cho nhũng nhiều, hối lộ. Mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu nhưng khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án thì đôi khi “con số chỉ là con số”.

Để hoạt động rà soát, điều chỉnh điều kiện đầu tư kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, ông Vũ Tiến Lộc đưa ra khuyến nghị: cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra.

Có thể bạn quan tâm