Câu chuyện của Siêu ủy ban và Vinalines

Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) vừa thông báo sẽ bán tiếp hơn 480 triệu cổ phần còn ế từ lần IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng).
Câu chuyện của Siêu ủy ban và Vinalines

Rất nhiều nhà đầu tư tin rằng đợt bán thứ hai này của Vinalines cũng khó thành công do giá bán còn cao hơn giá đợt đầu 2 đồng/cổ phần. Đáng lẽ khi bán đợt đầu gần như thất bại, giá bán lần sau nên điều chỉnh để thu hút người mua. Còn nếu giá giữ nguyên, bán không được, tốn kém công sức, tiền bạc tổ chức đấu giá, thiệt thòi cuối cùng Vinalines là người gánh chịu.

Vinalines đã chính thức được chuyển về cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý cùng với 18 tập đoàn, tổng công ty khác, trong đó có ba đơn vị đang niêm yết (hoặc đăng ký giao dịch) trên sàn là Petrolimex, Vietnam Airlines và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Còn nhớ Petrolimex IPO vào cuối tháng 7-2011, thời điểm mà thị trường chứng khoán vô cùng ảm đạm. Vì e ngại bán nhiều thì không bán hết, nên Petrolimex chọn phương án bán dần dần. Khi đó, Petrolimex chỉ mang ra bán hơn 27 triệu đơn vị với giá khởi điểm khiêm tốn 15.000 đồng/cổ phiếu. Lúc IPO Petrolimex cũng không đặt ra vấn đề tìm kiếm cổ đông chiến lược. Với sự vận động “xuôi ngược” của cả đơn vị tư vấn phát hành lẫn chính tổ chức phát hành, Petrolimex đã bán hết lượng cổ phần chào bán với giá bình quân 15.032 đồng/cổ phần.

Ba năm sau, tháng 11-2014 Vietnam Airlines thực hiện IPO, cũng chỉ mang ra bán 49 triệu cổ phiếu, mà hai nhà đầu tư lớn là Techcombank và Vietcombank đã đặt mua 48,3 triệu đơn vị. Những năm đó, không phải Nhà nước không muốn bán tỷ trọng lớn cổ phần Petrolimex và Vietnam Airlines, nhưng Nhà nước đã “liệu cơm gắp mắm”, nhìn trước ngó sau, đong đo nhu cầu hấp thụ của thị trường mà bán hàng.

Trên thực tế ngày 5-9-2018 Vinalines đấu giá được 5,4 triệu cổ phần, xấp xỉ 0,38% vốn điều lệ với giá bằng mệnh giá, cũng là giá khởi điểm.

Giờ đây với Vinalines, Nhà nước nghĩ khác. Nhà nước thông báo bán một số lượng lớn cổ phần Vinalines, hy vọng sẽ có nhà đầu tư nhảy vào mua để có quyền của cổ đông lớn, đại loại như thể bán cổ phần... Sabeco! Kế đó, thị trường chứng khoán hiện nay tốt hơn mấy năm trước nhiều, Nhà nước muốn tận dụng điều kiện khách quan thuận lợi này. Nhưng với Vinalines, dường như điều này không dễ lặp lại.

Sự khác nhau một trời một vực là Petrolimex, Vietnam Airlines khi IPO đều là những doanh nghiệp triển vọng, ngành nghề triển vọng. Nhu cầu xăng dầu và đi lại bằng hàng không tăng theo sự phát triển của nền kinh tế. Vinalines với ba mảng kinh doanh chính vận tải biển, dịch vụ hàng hải, cảng biển cũng lập luận tương tự. Khổ nỗi vận tải biển vẫn đang trong khủng hoảng kéo dài. Dịch vụ hàng hải cũng không hề “ngon xơi” khi mà thị phần logistics đang do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn. Việt Nam có nhiều cảng biển, nhưng những cảng ăn nên làm ra đều thuộc cổ phần, không phải hoàn toàn vốn nhà nước.

Điểm quan trọng nhất, Petrolimex, Vietnam Airlines hay nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa khác không thua lỗ chất chồng và được Nhà nước mua lại nợ chóng vánh trước thời điểm công bố IPO như Vinalines. Cho đến nay việc xử lý nợ của Vinalines chỉ được tổng công ty công bố kết quả, còn đã thực hiện như thế nào, ai bán ai mua nợ thì không được làm rõ, không minh bạch, công khai để nhà đầu tư biết. Mà trong tài chính, cái gì không minh bạch, giới đầu tư thường bỏ qua. Trên sàn niêm yết, có hàng ngàn doanh nghiệp cho họ lựa chọn. Các doanh nghiệp tư nhân chào bán cổ phần không ít. Rồi startup gọi vốn khắp nơi... Hà cớ gì mà tham gia IPO một đơn vị như Vinalines?

Nói đâu xa, hãy nhìn lên sàn. Một đơn vị Vinalines đang nắm cổ phần chi phối là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS-Hose). VOS là một tên tuổi trong ngành, đã từng rất “giàu có” xét về hiệu quả kinh doanh, vậy mà thị giá cổ phiếu giờ “lận đận” dưới 2.000 đồng. Nếu tin rằng một vài năm tới vận tải biển sẽ qua cơn bĩ cực, các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào VOS với mức giá thấp, cần gì phải mất công sức tìm hiểu Vinalines?

Trở lại với Vinalines và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Ủy ban này đang nắm trong tay số tài sản trị giá đến 2,3 triệu tỉ đồng. Những ông lớn quy mô nhất như PetroVietnam, tập đoàn Điện lực, tập đoàn Viễn thông VNPT, MobiFone, tập đoàn Than - Khoáng sản, SCIC... đều thuộc ủy ban. Tất nhiên không phải mọi doanh nghiệp có vốn Nhà nước đều làm ăn có lãi. Ủy ban có doanh nghiệp đang thua lỗ hoặc khó khăn như Vinalines, Vinachem (tập đoàn Hóa chất), Vinafood II; những doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh chưa cao như Vinacafe, tập đoàn Cao su (VRG)...

Liệu sau khi về ủy ban, cách đánh giá thị trường và nhìn nhận bản chất doanh nghiệp cũng như bản chất cổ phần hóa của ủy ban đối với Vinalines có khác đi? Vinalines sẽ cổ phần hóa thành công, sẽ kinh doanh hiệu quả nếu việc xác định giá trị cổ phần do thị trường quyết định. Khi đấu giá tài sản để xử lý nợ xấu hiện nay, các ngân hàng được phép giảm 10% giá khởi điểm so với lần đầu nếu mang ra đấu giá lần hai và giảm tiếp 10% nếu đấu giá lần ba. Việc giảm giá bán cổ phần Vinalines đến mức thị trường chấp nhận là cần thiết. Suy cho cùng, Nhà nước có cần phải nhất quyết bán được cổ phần Vinalines bằng mệnh giá? Hãy đặt việc đa dạng hóa quyền sở hữu, thay đổi quản trị doanh nghiệp, một tầm nhìn chiến lược mới trong kinh doanh cho Vinalines lên hàng đầu, thì ắt sẽ xuất hiện những đối tác tổ chức sẵn sàng mua tổng công ty này.

Theo Hải Lý/Thời báo kinh tế Sài Gòn

>> Gọi vốn không thành công, con thuyền Vinalines sẽ đi về đâu?

thesaigontimes.vn/279608/sieu-uy-ban-va-vinalines. https://www.thesaigontimes.vn/279608/sieu-uy-ban-va-vinalines.html

Có thể bạn quan tâm