CEO chuỗi nhà hàng G8 Osake House: Cần làm tốt từ việc nhỏ nhất

Ông Trịnh Xuân Giáp – Ông chủ chuỗi nhà hàng G8 Osake House chia sẻ, để khởi nghiệp thành công, cần có niềm đam mê, sau đó phải đặt ra mục tiêu cụ thể và quyết tâm thực hiện bằng được. Cần làm tốt nhữ
CEO chuỗi nhà hàng G8 Osake House: Cần làm tốt từ việc nhỏ nhất

Xuất thân từ một gia đình có bố mẹ là doanh nhân nên ông Trịnh Xuân Giáp – Ông chủ chuỗi nhà hàng G8 Osake House nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình về mặt tinh thần. Với nền tảng thuận lợi đó, ông đã khởi nghiệp để thoả niềm đam mê của mình. Tuy nhiên thất bại không chừa một ai. Nhưng với ý chí của một đứa con nhà nòi, ông đã lập tức đứng lên và tiếp tục khởi nghiệp. Hiện ông là chủ chuỗi nhà hàng G8 Osake House - nơi được nhiều thực khách tin tưởng lựa chọn làm địa điểm tụ họp gia đình, nơi tiếp đối tác quan trọng…hay đơn giản chỉ đến để thưởng thức những món ăn phong phú, đa dạng được chế biến từ cá hồi vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa để trải nghiệm không gian văn hoá mang đậm phong cách Nhật Bản được thổi hồn vào từng món ăn…

Không phải ngẫu nhiên mà ông chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp. Vậy ông có thể cho biết vì sao ông lại quyết định gắn bó với lĩnh vực này, thưa ông?

Để thực hiện tốt một việc gì đó thì hầu như ai cũng xuất phát từ đam mê. Và tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Tôi đến với lĩnh vực ẩm thực này cũng bởi niềm đam mê cháy bỏng đó là muốn mang lại cho từng thực khách những bữa ăn tươi ngon nhất. 

Thứ hai, tôi đau đáu và trăn trở với nỗi đau của người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, do đó tôi lựa chọn lĩnh vực này nhằm cải thiện phần nào thực trạng đó.

Các món ăn từ cá hồi của G8 Osake House được bày biên rất đẹp mắt

Mặt khác, tôi nhận thấy cơ hội thị trường vẫn còn nhiều điểm mạnh khi ẩm thực Nhật Bản đang được người tiêu dùng đón nhận và đang có xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới, thay thế cho những nhà hàng Trung Quốc mọc lên nhan nhản trước đó.

Và niềm đam mê đó đã được ông biến thành hiện thực khi hiện tại ông đã là chủ của một chuỗi nhà hàng mang phong cách Nhật Bản. Phải chăng ông quá thuận lợi khi cứ “tằng tằng mà tiến” trên con đường khởi nghiệp?

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng thế đâu (cười). Riêng với điều dễ dàng nhất là xác định được niềm đam mê của tôi là gì mà tôi cũng phải mất khá nhiều thời gian mới tìm thấy nó.

Cụ thể là thế nào, thưa ông?

Khi mới ra trường, tôi ứng tuyển vào tập đoàn FPT ở mảng xuất nhập khẩu. Sau một thời gian làm việc, tôi có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lớn liên quan đến lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Từ mối quan hệ này tôi mới quyết định “nhảy” sang lĩnh vực phân phối thực phẩm, trong đó chủ yếu là cá hồi Nauy và thịt bò Úc, Mỹ. Càng làm tôi càng thấy niềm đam mê với con cá hồi ngày càng lớn. Chính niềm đam mê đó nên tôi đã quyết định thành lập chuỗi nhà hàng mang phong cách Nhật Bản và con cá hồi là thực phẩm chủ đạo trong các món ăn tại chuỗi nhà hàng do tôi phụ trách. 

Trong quá trình khởi nghiệp, tôi cũng đã trải qua nhiều thất bại, tuy nhiên chính vì thế mà tôi đã rút ra được nhiều bài học để hoàn thiện thêm kỹ năng lãnh đạo của mình.

Ông có thể kể rõ hơn về sự thất bại đầu tiên của mình, thưa ông? 

Sự thất bại đầu tiên xảy ra cách đây 8 năm. Khi đó tôi cùng các anh em thân thiết hùn vốn mở một nhà hàng. Thời gian đầu nhà hàng hoạt động rất suôn sẻ, bước đầu đã mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên tầm 6 tháng sau nội bộ cổ đông bắt đầu lục đục, tầm 1 năm sau tình trạng này lại càng tồi tệ hơn nên chúng tôi đi đến quyết định đóng cửa hàng.

Sự thất bại này đã giúp tôi rút ra nhiều bài học về cách quản lý nhân sự. Đấy cũng là dấu mốc để tôi nhận ra bản thân còn thiếu kỹ năng trong bán hàng, trong quản lý nguyên liệu thực phẩm, trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, trong cả vấn đề chăm sóc khách hàng….

Rồi ông đã làm gì để có thể vượt qua sự thất bại ban đầu đó?

Với các bài học thu lượm được từ thất bại thứ nhất, cùng với niềm đam mê cũng như bao tâm huyết vẫn còn rừng rực cháy, tôi tự tin với lần khởi nghiệp thứ 2. Ở lần này, tôi đã khắc phục được hầu như tất cả những điểm còn thiếu của lần khởi nghiệp trước, cộng với việc chú trọng sáng tạo ra nhiều món ăn độc đáo từ cá hồi Nauy nên chuỗi nhà hàng mang đậm phong cách Nhật của tôi đã được khách hàng đón nhận và ngày càng có tiếng vang trong lĩnh vực ẩm thực.

Hiện số món ăn đã lên tới 30 món trong đó có những món độc đáo như nem cá hồi Nauy, bánh chưng cá hồi Nauy, chả cá hồi Nauy…Dự kiến cuối năm nay chúng tôi ra thêm sản phẩm là cá hồi Nauy kho mắm truyền thống để khách hàng làm quà biếu dịp lễ, Tết.

Bên cạnh đó còn có các món ăn đậm phong cách Nhật. Mặc dù được đưa vào phân khúc các món ăn cao cấp nhưng tại nhà hàng của chúng tôi giá cả rất phải chăng mà chất lượng không thua kém gì đối với các nhà hàng được định giá cao.

Slogan của nhà hàng là Osake – Ngôi nhà cá hồi. Nó có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Tôi chọn slogan này vì cá hồi là loại cá rất đặc biệt, nó sinh ra ở thượng nguồn con sông nơi có nguồn nước trong sạch, sau đó di cư ra biển, sau khi trưởng thành, chúng lại quay trở lại vùng nước ngọt nơi chúng sinh ra để sinh sản. Thế nên chúng có tên cá hồi là vậy.

Từ chuyện con cá hồi chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của một con người. Con người ta hầu như ai cũng mong muốn kết thúc cuộc đời ở nơi mình đã sinh ra. Ai cũng mong muốn làm điều tốt đẹp để chuẩn bị cho ngày trở về đấy. Câu chuyện con cá hồi là bài học truyền cảm hứng, răn dạy mọi người hãy sống thật tốt để mang những gì tinh tuý nhất truyền lại cho đời sau.

Sau gần 10 năm khởi nghiệp, hiện thương hiệu cá nhân cũng như thương hiệu doanh nghiệp của ông đã khá nổi trong lĩnh vực ẩm thực. Vậy ông có thể đưa ra một vài lời khuyên cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này?

Để có thể thành công các bạn phải đặt ra mục tiêu cụ thể cho mình. Lưu ý, mục tiêu phải đặt bằng số và trong thời hạn nhất định theo ngày, theo tuần, theo quý, theo năm. Việc này không chỉ áp dụng trong kinh doanh mà còn áp dụng trong cuộc sống. Ví dụ như liệt kê ngày hôm nay cần phải làm những việc gì và phải quyết tâm làm hết những mục tiêu đã đặt ra trong ngà

Bạn cũng phải đưa ra được lý do tại sao lại đặt mục tiêu ấy để đến khi rơi vào tình trạng muốn từ bỏ, bạn phải quay lại với câu hỏi: Vì sao bạn đặt mục tiêu này….để quyết tâm thực hiện bằng được những gì mình đã đề ra. 

Như bản thân tôi luôn mang theo bên mình danh sách công việc đặt ra trong ngày để khi nào ý chí bị “tuột dốc”, tôi lại nhìn vào danh sách đó để làm động lực tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu. Việc thực hiện tốt mục tiêu sẽ là động lực, là năng lượng để tôi thực hiện tốt các mục tiêu mới.

Thứ hai, khi đã đặt được mục tiêu cần hành động ngay và hành động đến cùng. Để có thể mang lại kết quả tốt cần noi theo những người đi trước với những công thức để đạt được mục tiêu đó.

Với lĩnh vực ẩm thực, đây là một lĩnh vực dịch vụ, do đó các bạn startup cần làm tốt những việc nhỏ nhất, và xác định việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng phải làm bằng cái tâm của mình từ việc chuẩn bị cái tăm đến thái độ của bác bảo vệ…. Do đó cần có các buổi đào tạo chuyên sâu đối với cán bộ, nhân viên để mọi người hiểu rõ điều đó hơn nữa, tạo nên cái hồn của một thương hiệu do các bạn xây dựng.

Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của ông!

Có thể bạn quan tâm