CEO Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong và triết lý “Doanh nghiệp không tuổi”

Doanh nhân có tuổi nhưng doanh nghiệp (DN) không có tuổi. Chính vì vậy, chuyển giao quản lý DN phải tìm được người xứng đáng, tâm sáng, tầm tới để lãnh đạo và dẫn dắt DN…

Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Cty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, là thế hệ lãnh đạo thứ 2 của DN cho rằng: Doanh nhân có tuổi nhưng DN không có tuổi. Chính vì vậy, chuyển giao quản lý DN không nhất thiết phải là con cái trong gia đình, trong dòng dọ. Mà phải tìm được người xứng đáng, tâm sáng, tầm tới để lãnh đạo và dẫn dắt DN…

CEO Nguyễn Hồng Phong và con trai Đức Minh (ảnh Khánh An)

CEO Nguyễn Hồng Phong và con trai Đức Minh (ảnh Khánh An)

Lấy nhận thức làm định hướng của DN

Cty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông là một DN kinh doanh về lĩnh vực phân bón nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trải qua 24 năm phát triển, từ DN chỉ có 200 triệu đồng vốn điều lệ ban đầu, đến nay, Tiến Nông nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Kết quả tăng trưởng này cho thấy, sự tin tưởng của người cha dành cho ông Phong là hoàn toàn có cơ sở. Và giờ đây, ông Phong lại tiếp tục hành trình chuyển giao công ty cho thế hệ thứ 3 kế nhiệm và người ông tin tưởng kế nhiệm cũng chính là con trai của mình.

Ông Phong kể: Lập nên DN Tiến Nông và kinh doanh phân bón như một nhân duyên đối với gia đình. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình rất khó khăn, ông và gia đình bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Bản thân ông đã đạp xe bán kem dạo khắp các xã ở Thanh Hóa. Từ đó, ông phát hiện nhu cầu về phân bón của bà con là rất lớn. Ở thời điểm đó, ông chỉ nghĩ đến việc mang hàng hoá từ trung tâm về bán để ăn chênh lệch.

Những ngày sau đó, ông mua phân bón từ trung tâm và đạp xe trở ngược về các xã, huyện xa để bán. Những năm tháng này cũng giúp ông nhận thấy thị trường phân bón ở Thanh Hoá rất tiềm năng.

Cuối năm 1994, người cha của ông đã quyết định thành lập Xí nghiệp sản xuất phân bón Tiến Nông - tiền thân của Cty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông. Khi đó, ông Phong đang làm ăn ở xa, người cha của ông đã gọi về và giao trọng trách là Giám đốc xí nghiệp ở tuổi 22.

Ngày 04/1/1995, Xí nghiệp Sản xuất phân bón Tiến Nông được thành lập với 28 lao động, trong đó 10 người là thành viên trong gia đình. Ông Phong cũng trở thành chủ DN trẻ nhất tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ.

Dây chuyền sản xuất phân bón Tiến Nông

Dây chuyền sản xuất phân bón Tiến Nông

Ông Phong tâm sự: Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển DN, nhận thực thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, cho người nông dân, cho người công nhân là định hướng chủ đạo của Tiến Nông. Mục tiêu của Tiến Nông là làm sao để chất lượng cuộc sống của người dân được phát triển đồng đều, lấy lợi ích cộng đồng làm trọng tâm. Từ đó, DN sẽ đưa ra giải pháp để phát triển bền vững.

Độc lập về tài chính

Đến năm 2001, 6 năm sau hành trình gian khó thuở mới lập nghiệp, vốn điều lệ của DN đã tăng lên 50 tỷ đồng (gấp 25 lần) với 100 lao động, ông Phong đã đề xuất thay đổi hình thức quản trị cũng như mở rộng đầu tư.

Đặc thù là một DN gia đình là các thành viên chủ chốt đều là người trong gia đình. Mặc dù có sức mạnh nhưng dễ bị sự cả nể, tình cảm chi phối, trong khi yêu cầu trong kinh doanh là phải rõ ràng. Do vậy, ông Phong đã yêu cầu các, bộ phận, đơn vị được hạch toán độc lập và mỗi thành viên trong gia đình giữ vị trí chủ chốt, đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc của mình.

Ông giải thích thêm: Chúng tôi có một hạn mức độc lập để giao cho đầu mối quản lý đầu tư và chịu trách nhiệm về lĩnh vực mình quản lý. Đây chính là sự khác biệt", đồng thời cũng là bí quyết thành công của Tiến Nông.

Mặc dù vậy, để có sự thống nhất, đến năm 2012, các phần việc giao cho các thành viên chủ chốt trong gia đình được tập trung về một mối, thay vì để từng cá nhân tự lo, tự chịu trách nhiệm như trước.

Đào tạo người kế nhiệm thế hệ thứ 3

“Nhận lại trọng trách của cha giao phó, vì tuổi đời còn trẻ, tôi chưa chú ý đến người kế nhiệm. Tuy nhiên, đến năm 2016, một biến cố xảy ra khiến tư duy của tôi thay đổi. Tôi trải qua một trận ốm "thập tử nhất sinh" khiến cho mọi hoạt động của công ty bị đình trệ. DN như "rắn mất đầu" – ông Phong nói.

Ông mô tả: "Đó là một cuộc khủng hoảng", những ngày dài nằm trên giường bệnh nhìn cơ thể kiệt quệ còn công ty thì không cách nào quản lý được. Nhận thức xây dựng “DN không tuổi” không thể để chuyện mình ốm đau hay gặp vấn đề thì công ty cũng rơi vào khủng hoảng theo, thậm chí là phá sản. Như thế là thiếu trách nhiệm với mọi người, với tổ chức".

Vì vậy, tôi đã chọn mỗi người cho ngồi vào vị trí của tôi trong vài tháng để học hết các việc. Tôi vẫn nắm hết đầu việc nhưng không can thiệp, chỉ như một người quan sát và hướng dẫn". Hiện tôi đang đào tạo 5 người có khả năng ngồi vào vị trí TGĐ. Tất cả đều là người ngoài và người tôi chọn làm lãnh đạo thì tâm phải sáng, tầm phải tới, có trách nhiệm với tổ chức. Có thể nay mình là lãnh đạo, mai mình là cổ đông cũng không sao. Tôi tâm niệm rằng, người kế nhiệm không nhất thiết phải là con cái mình, nếu như con không có đam mê.

Đặc biệt, ý tưởng xây dựng “DN không tuổi” của ông Phong được con trai ông là Nguyễn Đức Minh (sinh năm 2000) ủng hộ, hưởng ứng. Đức Minh hiện đang là sinh viên năm thứ 2, Khoa Quản trị Kinh doanh bằng tiếng Anh (trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Đức Minh tâm sự: Từ ngày còn học cấp 3, tôi đã được ông và bố cho tiếp cận với bà con nông dân Việt Nam, nông dân nước ngoài. Tôi thấy người nông dân Việt Nam còn thiệt thòi, thiếu thốn, lạc hậu… Tôi muốn đóng góp sức của mình để giúp họ giàu có hơn, đóng góp 1 phần cho đất nước nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Nguyễn Đức Minh – có thể sẽ là người kế nhiệm thế hệ thứ 3 của Tiến Nông, tại chương trình “Giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc – Trung Nam” do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10
Nguyễn Đức Minh – có thể sẽ là người kế nhiệm thế hệ thứ 3 của Tiến Nông, tại chương trình “Giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc – Trung Nam” do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

Hiện nay, Đức Minh được bố đào tạo bằng cách sắp xếp vào vị trí trợ lý của bố. Trong các sự kiện, hội nghị, tiếp xúc khách hàng, tiếp thu công nghệ… ông Phong đều đưa con trai đi theo để học hỏi, mở rộng quan hệ và rèn tuyện phong cách tự tin giao tiếp. Minh rất tự tin khi trả lởi phỏng vấn của PV.

Minh chia sẻ thêm: Ước mơ của tôi là trở thành nhà khoa học. Tuy nhiên, qua tiếp xúc nhiều với công việc của bố, bản thân như được truyền thêm lửa nên cảm thấy yêu và gắn bó với nghề kinh doanh phân bón của gia đình. Do vậy, Minh đã không đi du học ở nước Anh như dự định mà học Đại học ở trong nước. Sau này, vị trí quản lý có người phù hợp thay thế, Minh sẽ đi học Thạc sỹ ở nước ngoài một thời gian.

Minh bày tỏ quan điểm: Được bố giao cho tìm hiểu sâu và phụ trách mảng truyền thông, tôi nhận thấy việc truyền thông sản phẩm của Tiến Nông chưa được quan tâm đúng mức. Nếu được, tôi muốn bố giao cho phụ trách mảng Truyền thông và Nhân sự. Tôi cảm thấy một số vị trí nhân sự được bố sử dụng cảm tính, thiên về tình cảm, nhân sự không phù hợp với vị trí công việc.

Khép lại câu chuyện kế nhiệm, CEO Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong cho hay: Đến nay, bố tôi rất mãn nguyện và tự hào vì thấy đúng khi lựa chọn tôi là người kế nhiệm. Tôi cũng đang nỗ lực đào tạo thế hệ kế nhiệm thứ 3 cho DN. Người kế nhiệm phải phù hợp, không nhất tiết phải là con cái. Nếu con mình hạnh phúc với một nghề khác thì nên tôn trọng nó, nếu con không phù hợp, thì tìm một người khác ngồi vào. DN không tuổi cũng ở chỗ đó.

Có thể bạn quan tâm