Chỉ tên 'thủ phạm' đẩy giá thịt lợn

Thông tin về giá thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, giá thịt lợn cao là do nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến.
Chỉ tên 'thủ phạm' đẩy giá thịt lợn

Ngoài ra, việc nhập khẩu để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt của sản xuất trong nước chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Chính phủ căn cứ trên cơ sở nguồn cung và nhu cầu sản xuất trong nước đã có chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn trong quý I/2020. Tuy nhiên, tính đến 27/3/2020 mới chỉ thực hiện nhập khẩu được hơn 39 nghìn tấn.

Trước đó, tại cuộc họp do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 30/3/2020, đã có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn này chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước...

Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng theo cơ chế thị trường và không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao.

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, trước nay từ sản xuất đến tiêu dùng ở hầu hết hệ thống phân phối các mặt hàng trong đó có mặt hàng thịt lợn đều tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.

Đối với mặt hàng thịt lợn, khâu trung gian có phần phức tạp hơn do mặt hàng thịt lợn cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng, đặc thù thói quen tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân và việc tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh.

Giá thịt lợn tăng dần theo 2 đường chính gồm: Một là chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng thì những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương. Theo đó, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng/kg.

Thứ hai, giá trị thịt lợn thành phẩm các loại qua các giai đoạn giết mổ, pha lóc, từ 100 kg lợn hơi chỉ thu được 55 kg thịt lợn ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Từ giá thành 70.000 đồng/kg lợn hơi, sau khi giết mổ thì chi phí 1 kg thịt lợn thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ thành 127.000 đồng/kg.

Có thể bạn quan tâm