Chính phủ cần bỏ vài điều kiện kinh doanh để làm gương

Theo Luật Đầu tư, từ ngày 1-7 tới, các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong nghị định của Chính phủ thay vì có cả trong thông tư của các bộ như hiện nay. Đây là một cuộc chiến chống cơ chế xin
Chính phủ cần bỏ vài điều kiện kinh doanh để làm gương

Theo Luật Đầu tư, từ ngày 1-7 tới, các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong nghị định của Chính phủ thay vì có cả trong thông tư của các bộ như hiện nay. Đây là một cuộc chiến chống cơ chế xin - cho đã ăn sâu trong quan hệ giữa Nhà nước và người dân. TBKTSG phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, người từng tham gia nhiều vào quá trình làm Luật Doanh nghiệp năm 2000.

Đến nay, Bộ Y tế đã “nâng cấp” tới 70 thông tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cấp 38 thông tư, Bộ Công Thương nâng cấp 23 thông tư thành… nghị định để… chạy hiệu lực cho các điều kiện kinh doanh. Bà nhìn nhận thực tế này như thế nào và theo bà, Chính phủ, Thủ tướng cần phải làm gì?

Chính phủ cần bỏ vài điều kiện kinh doanh để làm gương ảnh 1 - Bà Phạm Chi Lan: Tôi quan sát thấy các bộ, ngành đang đua nhau chuyển các điều kiện kinh doanh từ thông tư lên nghị định, có nghĩa một nghị định sẽ bao hàm nội dung của một lô thông tư trước đây. Như vậy, các điều kiện kinh doanh có cơ hội biến tướng ở văn bản cấp cao hơn. Bộ máy giúp việc cho Thủ tướng phải canh chừng các nghị định mới, không để các điều kiện kinh doanh, mà thực chất là việc xin - cho, được đưa từ thông tư lên nghị định, trở thành quyết định của Chính phủ chứ không phải các bộ, ngành. Nếu không giám sát kỹ, thì có thể dẫn đến hệ lụy đưa Chính phủ vào tình trạng không tôn trọng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, vì nhiều điều kiện kinh doanh không được phép theo các luật này, mà Chính phủ lại cho phép. Tôi cũng mong Quốc hội vào cuộc lần này, cũng phải canh các nghị định, nếu không thì quyết định thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng không còn hiệu lực nốt. Chính phủ đã tuyên bố rất mạnh mẽ, nên theo tôi cần làm triệt để lần này, thể hiện Nhà nước pháp quyền của chúng ta đang trở lại mạnh mẽ đây.

TBKTSG: Trong trường hợp hầu hết các điều kiện kinh doanh trong các thông tư được nâng cấp lên thành nghị định từ ngày 1-7 tới, thì điều này gửi thông điệp gì đến cộng đồng doanh nghiệp?

- Tôi đã có ấn tượng ban đầu rất tốt với Chính phủ mới kiện toàn, với Thủ tướng mới khi chỉ trong 40 ngày đầu nhiệm kỳ đã tập trung rất cao, liên tục vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ba tuần sau khi thành lập, Chính phủ ra được Nghị quyết 19; 40 ngày thì có Nghị quyết 35, rồi có cuộc đối thoại với doanh nghiệp ở TPHCM, có Thông báo 66 nhắc nhở các bộ ngành việc thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đúng hạn. Đó là tín hiệu rất tốt. Song, đó cũng là một trong những thước đo mà doanh nghiệp đo khoảng cách từ chính sách tới hành động của Chính phủ. Tôi mong là báo chí và các hiệp hội doanh nghiệp vào cuộc. Cần phải tố lên có ngần này điều kiện kinh doanh trong thông tư được chuyển vào nghị định.
Các thông tư chỉ có quyền hướng dẫn, chứ không có quyền đưa ra điều kiện thêm cho các luật. Tôi nghĩ Chính phủ cần phải làm một vài trường hợp để làm gương.

TBKTSG: Bà thấy đấy, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm sắt đá trong việc này?

- Tôi rất mong là Thủ tướng thực hiện được quyết tâm đó. Không có lý gì mà luật lại thua các thông tư của các bộ. Luật phải là tối cao, và thượng tôn pháp luật phải từ cơ quan nhà nước, công chức nhà nước.

TBKTSG: Thực tế là có nhiều bộ vẫn giữ lại điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý. Chẳng hạn, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong các sản phẩm dệt may trong Thông tư 37 mà chính các Nghị quyết 19 nêu đích danh phải sửa; hay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu giữ nguyên điều kiện phải có 1 tỉ đồng vốn pháp định mới cho thành lập hãng phim; và còn vô vàn điều kiện kinh doanh khác nữa. Bình luận của bà về tình trạng này?

- Đó là tình trạng trên bảo dưới không nghe. Tôi thực sự ngạc nhiên thấy các bộ có lãnh đạo mới, trẻ trung hơn sao lại chậm trễ trong việc trả lời điều đó. Tôi mong là Thủ tướng có động thái mạnh mẽ yêu cầu bỏ, vì trong Nghị quyết 19 và cả Nghị quyết 35 đều yêu cầu giám sát và có biện pháp chế tài. Tôi trông chờ tới ngày 1-7 này Thủ tướng sẽ ra một quyết định quyết liệt là tuyên bố bãi bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh trong các thông tư trái tinh thần của Luật Đầu tư. Các thông tư chỉ có quyền hướng dẫn, chứ không có quyền đưa ra điều kiện thêm cho các luật. Tôi nghĩ Chính phủ cần phải làm một vài trường hợp để làm gương.

TBKTSG: Thực tế là Quốc hội, sau khi thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thì lại đồng thời thông qua bảy luật khác trong đó trao quyền cho các bộ trưởng phụ trách ngành ban hành điều kiện kinh doanh, mâu thuẫn ngay với Luật Đầu tư là các điều kiện kinh doanh chỉ có trong nghị định do Chính phủ ban hành. Phải chăng tư duy làm luật của Việt Nam đầy mâu thuẫn, thưa bà?

- Chính bản thân Quốc hội cũng phải xem lại quy trình làm luật, và phải có bộ máy mạnh giúp Quốc hội so sánh các quy định ở các luật khác nhau, đảm bảo luật này không trái luật kia. Thông thường, người ta giám sát để luật không vi hiến, nhưng làm luật sao cho các luật không xung đột với nhau thì cũng quan trọng không kém. Điều này các cơ quan Quốc hội phải quan tâm, và phải chịu trách nhiệm, nhất là Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Kinh tế. Ủy ban Tư pháp cần phát huy năng lực thẩm định xem có các luật có vi hiến, hay mâu thuẫn nhau không.

TBKTSG: Dựa trên kinh nghiệm tham gia làm Luật Doanh nghiệp 2000, bà có hình dung ra là hiện nay có tới gần 7.000 điều kiện kinh doanh như ông Vũ Tiến Lộc, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp hiện nay, công bố không?

- Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi. Hồi làm Luật Doanh nghiệp 1999 (có hiệu lực năm 2000), chúng tôi điều tra ra 470 điều kiện kinh doanh khác nhau, và Thủ tướng bãi bỏ được 158 cái, còn vài chục cái nữa thì bị chuyển từ giấy phép sang điều kiện kinh doanh. Như vậy là giảm một nửa. Tiếc là sau đó, nó bùng lên trở lại mạnh mẽ đến mức như vậy.

TBKTSG: Vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp như thế nào? Họ có nên công khai, mở cửa cho báo chí hay không?

- Họ cần công khai. Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp trước đây luôn mở rộng cửa cho báo chí. Chúng tôi luôn làm việc ngoài giờ hành chính, và luôn có mặt của báo chí. Báo chí đưa ra công luận rất nhanh những gì tổ làm và khuyến nghị với Chính phủ, giúp Chính phủ quyết định nhanh chóng hơn.

TBKTSG

Có thể bạn quan tâm