Chính quyền Hồng Kông ra lệnh xét nghiệm Covid-19 bắt buộc với tất cả người dân

Hồng Kông sẽ tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ dân số 7,5 triệu người trong thời điểm vật lộn với đợt bùng phát tồi tệ nhất do biến thể omicron gây ra.
Chính quyền Hồng Kông ra lệnh xét nghiệm Covid-19 bắt buộc với tất cả người dân

Hồng Kông đã báo cáo khoảng 5.000 ca nhiễm mới hàng ngày kể từ ngày 15/2, đe dọa áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe của khu vực này. Kể từ khi làn sóng dịch hiện tại bắt đầu vào đầu năm, Hồng Kông đã ghi nhận gần 54.000 trường hợp mắc bệnh và 145 trường hợp tử vong.

Trong thông báo mới nhất của chính quyền cho biết, toàn bộ dân số của Hồng Kông sẽ được xét nghiệm ba lần vào tháng 3. “Vì chúng tôi có dân số khoảng 7 triệu người, nên việc kiểm tra mỗi đợt sẽ mất khoảng bảy ngày,” nhà lãnh đạo Carrie Lam tiết lộ. 

Lệnh xét nghiệm trên toàn thành phố được đưa ra sau khi Trung Quốc đại lục cử các nhà dịch tễ học, nhân viên y tế và các nguồn lực y tế khác tới Hồng Kông vào tuần trước để giúp ngăn chặn dịch bùng phát ở đây. 

Hồng Kông phần lớn đã thực hiện chính sách “zero-Covid-19” của Trung Quốc đại lục, nhằm mục đích dập tắt hoàn toàn các đợt bùng phát dịch bệnh, ngay cả khi nhiều quốc gia khác đang chuyển sang hướng tiếp cận “sống chung với Covid”. Chiến lược “zero-Covid-19” có nghĩa là chính quyền sẽ thường xuyên áp dụng các biện pháp như cách ly toàn bộ khu dân cư để xét nghiệm hàng loạt khi phát hiện các trường hợp dương tính, áp dụng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với khách ra vào và ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. 

Việc “lockdown” toàn bộ tỉnh/thành phố đã được áp dụng ở một số khu vực của đại lục, nhưng bà Carrie Lam cho biết hiện không có biện pháp nào như vậy đang được xem xét ở Hồng Kông vì nó “không thực tế”. Bà cũng phủ nhận việc chính quyền trung ương Trung Quốc đang đưa ra hướng dẫn cho Hồng Kông về cách xử lý dịch bệnh. “Tôi xin nhắc lại rằng chính quyền trung ương chưa bao giờ ban hành bất kỳ chỉ thị nào về công tác chống dịch đối với Hồng Kông. Chính phủ trung ương sẽ cung cấp hỗ trợ khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chúng tôi, nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ luôn trao đổi quan điểm của mình”.

Sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm bệnh tại Hồng Kông đã đe dọa áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương. Các quan chức y tế cho biết tuần trước rằng các bệnh viện đã ở mức 90% công suất và các cơ sở cách ly đã ở mức tối đa. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus ở Hồng Kông sẽ phải được nhập viện hoặc ở lại cơ sở cách ly.

Bà Lam thừa nhận rằng Hồng Kông đang “thiếu nghiêm trọng” các cơ sở cách ly và đang “làm việc hết sức với sự hỗ trợ đầy đủ của các cơ quan trung ương” để xây dựng thêm. 

Các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại, chẳng hạn như lệnh cấm ăn tối tại các nhà hàng sau 6 giờ chiều và việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh như phòng tập thể dục và quán bar, sẽ được kéo dài đến ngày 20/4.

“Đây không phải là tin tốt đối với các ngành bị ảnh hưởng, nhưng thực sự ở giai đoạn này của đại dịch, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp này,” bà Lâm nói. Bà cũng cho biết Hồng Kông hy vọng sẽ tăng tỷ lệ tiêm chủng lên 90% vào đầu tháng Ba.

Các biện pháp khác được công bố hôm 21/2 bao gồm kết thúc năm học sớm và đẩy kỳ nghỉ hè bình thường từ tháng 7, tháng 8 lên tháng 3, tháng 4 để các trường học có thể trở thành cơ sở để xét nghiệm, cách ly và tiêm chủng.

Lệnh cấm nhập cảnh từ các quốc gia được phân loại là có nguy cơ cao tiếp tục được thực hiện, bao gồm Úc, Canada, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ, sẽ được gia hạn đến ngày 20/4.

Có thể bạn quan tâm