Cho nhau tiếng cười trong cõi nhân gian

“Em vừa quát lại anh, như anh từng quát nó, như nó mắng đứa kia, như đứa kia... gầm với con bé ấy...”. Bây giờ người ta hay kể chuyện vui như thế. Hình như quát bây giờ đã trở thành... nét “văn hóa” khó phai?!
Cho nhau tiếng cười trong cõi nhân gian

Anh lái xe tên Thắng có chở tôi đi công chuyện vài lần. Thắng chắc tay lái, điềm đạm, tôi gọi anh là“tài già”– luôn xử lý tình huống đúng lúc, chắc nịch. Chỉ có điều, mỗi lần nhìn thấy cảnh sát giao thông, cả mặt cả người anh cứ vã mồ hôi. Hỏi, anh xấu hổ kể: “Ngày xưa em lái xe tải đường dài, em hay bị các anh ấy hỏi thăm. Lâu dần thành phản xạ sợ, thế là em bỏ nghề. Mấy năm rồi mà em vẫn chưa quên cảm giác đó”. Tôi nghe mà có chút ớn lạnh. Ai tham gia giao thông cũng đôi lần “va chạm” với các anh cảnh sát.

Tôi nhớ lần đầu tiên đi xe máy DD 70 màu đỏ ớt. Ngu ơi là ngu! Thần hồn nát thần tính! Lúc đó tôi chưa có bằng lái, mà thực ra hồi ấy chưa mấy ai có bằng lái. Một chiếc xe DD lúc bấy giờ bằng cả một ngôi nhà, lái xe ra đường như thể “cả ngôi nhà” lăn bánh. Tôi đi từ phố Khâm Thiên rẽ sang đường Lê Duẩn. Bỗng “toét”. Anh cảnh sát tuýt còi chỉ về phía tôi. Tôi vội vã dừng xe, dắt vội vào ven đường, gần đến chỗ anh cảnh sát mới nhìn thấy một bác xe thồ cũng loạng choạng xuống xe rồi “thồ” cả hai sọt rau to vào lề đường. Anh cảnh sát chỉ tôi lên vỉa hè rồi ra “tiếp” bác xe thồ. Một anh cảnh sát khác từ bên trong ra “tiếp” tôi. Tôi biết mình bị hố to. Tiếng “toét” khi nãy đích thị là dành cho bác xe thồ, thế mà tôi hoảng, tôi vội xuống xe và ngoan ngoãn vào vị trí... nộp phạt. Hôm ấy, chắc hai anh cảnh sát phải rất buồn cười – chỉ một tiếng “toét” mà “bắt” được những “hai con cá”.

Một vài lần “va chạm” nữa thì tôi bỗng... khôn. Chẳng may mà nghe tiếng “toét” và tiếp sau là động tác chào thì ngay lập tức tôi mở khẩu trang, chào đon đả, xởi lởi xin lỗi và thăm hỏi đôi điều. Của đáng tội, những lỗi của tôi thường là rất nhẹ (như chạm vạch, rẽ phải không xi nhan ở ngã ba mà bên trái cấm rẽ, phía trước là vườn hoa...) nên chả mấy khi các anh phải xé giấy phạt.

Bác tổ trưởng khu nhà tôi được giao nhiệm vụ liên hệ với công ty nước sạch để lắp đặt lại hệ thống nước cho cả dãy nhà – theo chỉ đạo của quận và phường. Bác ấy miệt mài làm giấy tờ, văn bản, chữ ký của từng hộ gia đình... đủ cả. Ấy vậy mà không hiểu sao bác ấy đến công ty nước sạch hàng chục lần mà hồ sơ vẫn nay thiếu cái này, mai thiếu cái kia. Vốn là bộ đội đặc công về hưu, nhiều năm hoạt động trong tổ bảo vệ của phường, bác không hiểu vì sao mà thủ tục hành chính chỉ có bấy nhiêu thôi mà mãi vẫn không đủ. Bác nhăn nhó kể với tôi: “Khổ thế chứ lỵ. Mấy đứa nó cứ gọi anh ra quán cà phê để xem hồ sơ mà lần này hộ khẩu của gia đình này hết hạn công chứng, lần sau lại đến sổ đỏ nhà khác cũng bị hết hạn công chứng vì thời gian làm thủ tục lâu quá. Tiền cà phê nhiều lần cũng là một khoản đáng kể với mức thu nhập của bảo vệ dân phố như anh, chả lẽ lại đi thu của mọi người, ấy thế mà vẫn không được việc mới ức”. 

Tôi liền bảo bác cho tôi đi cùng đến công ty nước sạch. Ôi trời ơi! Từ bãi gửi xe máy, tôi đã thấy bác hai tay xoa xoa “Chào sếp. Sếp khỏe không?” với bác trông xe. Bác bảo vệ công ty vừa đằng đằng sát khí ra hỏi khách cũng nhận được nụ cười tươi và lời chào “cao hơn mâm cỗ” của bác tổ trưởng. Xong, bác vừa đi vừa nói nhỏ đủ để tôi nghe: “Không nịnh thế, các ông ấy gớm lắm, cứ quát loạn lên đấy”. Vào đến ô cửa tiếp khách, bác lại đứng nghiêm trang, thi thoảng xốc lại vai áo. Đến lúc anh nhân viên hất hàm hỏi, giọng đanh như được tôi qua lò luyện thép, bác ton tót chạy vào, đứng trước ô cửa, hai tay lại xoắn vào nhau “Chào sếp. Cho tôi gặp sếp trưởng phòng. Sếp trưởng có hẹn tôi sáng thứ hai lên gặp”. Anh nhân viên vừa lạnh lùng “sếp trưởng hôm nay đi vắng, hôm khác bác lên” vừa có vẻ hơi ngài ngại nhìn tôi, vì tôi quan sát bác tổ trưởng rất chăm chú. Tôi liền tiến đến, tự giới thiệu là đại diện bà con của khu dân cư, xin gặp bất cứ lãnh đạo phòng, ban giám đốc hay chánh văn phòng, thanh tra... có thể làm việc được với dân và cũng là khách hàng. Kết quả thế nào... chỉ biết là bác tổ trưởng hôm đó sung sướng cực kỳ.

Cho nhau tiếng cười trong cõi nhân gian ảnh 1

Sau lần đó, tôi “chường mặt” đi giải quyết các loại văn bản, giấy tờ hành chính cho cơ quan, cho gia đình nhiều lần nữa. Từ việc đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường chấm thêm dấu nặng cho tên của anh tôi trong sổ đỏ (từ Viên thành Viện do lỗi của Sở) đến yêu cầu anh nhân viên Cục An toàn vệ sinh thực phẩm bút phê lần cuối, kiểu như “dấu phẩy” thay cho chữ “và” hay ngược lại... Thái độ “sẵn sàng chiến đấu” của tôi cũng khiến công việc có trôi chảy hơn - mặc dù sau mỗi lần được việc và đúng việc đó, tôi cảm thấy buồn, áy náy vì tính nữ trong mình đang bị bào mòn.

Trong mỗi gia đình cũng vậy. Nhiều đức ông chồng chẳng hiểu do bực bội hay gì mà cứ về đến nhà là... quát vợ đã. Như thể không quát thì sẽ bị cô vợ... coi thường. Mười lần bị quát vô cớ thì cô vợ cũng phải quát lại một lần để... “dằn mặt” chồng. Đến nỗi có bà mẹ chồng mếu máo: “Chúng mày có ăn thịt được nhau đâu mà cứ quát nhau loạn nhà loạn cửa lên”. Ở nhà khác, có cậu con trai đến tuổi trưởng thành, nhỏ lời khuyên mẹ một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm: “Mẹ phải thông cảm cho bố. Bố bị ức chế từ sếp tổng công ty, các cửa chạy dự án, tiếp các loại cơ quan thuế, chính quyền và nhiều chuyện bực mình... Bố cũng bị nghe quát loạn lên đấy mẹ ạ”. Chị vợ vốn thương con, rơm rớm nước mắt, gật đầu mà như nghe trong lòng tiếng tim gan phèo phổi đang quát nhau loạn xì ngầu. Ức! Vì tần tảo bao nhiêu, làm lụng hầu chồng hầu con bao nhiêu mà vẫn bị chồng quát mắng.

Xét cho cùng, chúng ta đều là nạn nhân của tệ quát. Hình như cả một “tổ hợp” xã hội với rất nhiều các mối quan hệ đan xen, nâng chúng ta lên rồi quật chúng ta xuống.

Những va đập đó phát ra tiếng kêu, mượn cửa miệng mỗi người mà phụt ra thành tiếng quát mắng. Thế rồi chúng ta sợ nhau. Quát cho đỡ sợ. Quát để uy hiếp đối phương trước. Nếu không sợ thì cứ bình tĩnh mà nghe, mà xử trí chứ việc gì phải quát mắng. Thì ra, “gió sợ bờ tường, bờ tường sợ chuột cống, chuột cống sợ mèo già, mèo già sợ mẹ đĩ nhà hề, mẹ đĩ nhà hề lại sợ hề, hề sợ trời, trời sợ mây, mây sợ gió...” Dân gian đã đúc kết từ hàng trăm năm trước quy luật ứng xử của nhiều đời, thế mà con người của thời đại văn minh, của một nền kinh tế đang cất cánh rồng thiêng vẫn cứ hay sợ nhau rồi quát nhau.

Xuân về, Tết đến rồi. Hy vọng rằng, trong mỗi nếp nhà, dù có nhiều hay ít bánh chưng - thịt mỡ dưa hành, phong bì biếu - nhận tết có dày hay mỏng... thì cái không khí đầm ấm yêu thương vẫn cứ lan tỏa. Trong lời thì thầm cầu nguyện ơn trên ban cho sự an lành của một năm mới đến, biết đâu đấy có cả lời cầu nguyện không bị nghe ...quát. Xin ơn trên ban cho nhau tiếng cười trong cõi nhân gian.

Có thể bạn quan tâm