Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: “Tôi không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”

“Năm qua, áp lực cá nhân, áp lực của lãnh đạo thành phố rất lớn, nhưng phát biểu trong tất cả các hội nghị, nguyên tắc của tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: “Tôi không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị tổng kết của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội hôm 4/1

“Chúng ta cứ bình tĩnh khắc phục dần và có trách nhiệm giải trình cho cấp trên để mọi người cùng hiểu. Án tại hồ sơ, hồ sơ còn trình tự giải quyết, còn có ý kiến từng người ở đấy”, ông Chung nói.

Làm quy hoạch “xi nhan” cho người thân

Tại cuộc họp, thừa nhận là “người ngoại đạo”, nhưng Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nêu không ít những bất cập trong công tác quy hoạch trên địa bàn Hà Nội.

Ông nói: “Hiện chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Có những khu đất 5 - 7 ha các anh cũng băm ra cho 2 - 3 chủ đầu tư. Tôi không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không, nhưng làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được”.

Ông Chung cho hay, ngay từ khi được bầu làm Chủ tịch, cá nhân ông đã đọc rất nhiều tài liệu về các đô thị trên thế giới sẽ định hướng, thay đổi như thế nào. Đối chiếu với tiêu chuẩn, tiêu chí một thành phố xanh trong tương lai, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói, ông nhận thấy phát triển quy hoạch của Hà Nội có những vấn đề đang đi chệch hướng.

“Trong quy hoạch cũ có nêu rất rõ khu vực bao nhiêu dân phải có một bệnh viện. Nhưng hiện nay, các bệnh viện di dời ra khu vực ngoại ô. Không hiểu sau này người dân phải đi mấy chục km mới đến bệnh viện. Trên thế giới người ta định nghĩa từ nhà ra đến bệnh viện đi bộ chỉ 15 phút”, ông Chung nói.

Đặc biệt, theo ông Chung, những năm qua Hà Nội lẽ ra có thể tận dụng nguồn lực bất động sản để phát triển Thủ đô, tuy nhiên nguồn lực này đã không được tận dụng trong nhiều năm. Thay vào đó sự “xin - cho”, “thiếu minh bạch” trong quy hoạch đã làm thất thoát nguồn lực bất động sản này.

Cũng theo ông, những năm 90, nếu Hà Nội làm đường theo cách lấy rộng ra hai bên 200-300 m mặt đường thì hạ tầng hiện nay của Thủ đô đã không kém gì các nước khác. Nhưng đến giờ thành phố phải trả giá, khi việc thiếu minh bạch trong quy hoạch dẫn đến tình trạng mua bán đất thiếu thông tin, khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội xấu xí, uốn lượn, kéo dài.

“Tôi nghe câu chuyện trước đây, cứ mỗi lần lập đồ án là người ta đi mua bán đất. Năm qua, tôi chứng minh chuyện đó là có thật. Bởi khi cắm chỉ giới đường đỏ ở khu vực đấy thì bắt đầu sinh ra chuyện mua đất. Hóa ra là toàn xi nhan người thân, người quen đi mua, toàn nội bộ chúng ta ra cả. Thế nên có những uốn lượn hay kéo dài trong kiến trúc”, ông Chung nói.

Tuần tới báo cáo Thủ tướng vụ “nhà cao tầng”

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội đã đề cập đến vấn đề nhà cao tầng khu vực nội đô - chủ đề đã được Thủ tướng nêu tại tại một hội nghị của Chính phủ mới đây.

“Quanh ý kiến của Thủ tướng, tôi nêu những con số thế này để chúng ta cùng suy ngẫm. Cụ thể là đến giờ phút này chưa bộ, ban, ngành nào khi di dời bàn giao bất cứ một trụ sở nào cho thành phố... Các bệnh viện đã di dời cũng chưa có bệnh viện nào bàn giao lại, thậm chí còn xây thêm như Việt Đức”, ông Chung nói.

Nguyên nhân khác được ông Chung dẫn ra là số phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh. Số lượng ôtô lên tới 570.000 xe, chưa kể xe lực lượng vũ trang, các tỉnh về thành phố, số xe máy là 5,2 triệu xe.

Hà Nội cũng có 1,1 triệu học sinh được đưa đón hằng ngày; một triệu du khách quốc tế năm 2016....cộng với ý thức giao thông của người dân chưa cao đã gây áp lực lớn lên giao thông thành phố.

Theo lãnh đạo Hà Nội, trong tuần tới, thành phố sẽ có có báo cáo với Thủ tướng đầy đủ, chi tiết những thông tin Thủ tướng đã nêu.

Theo Bảo Anh/Vneconomy

>> Thủ tướng: Hà Nội tắc đường do xây quá nhiều nhà cao tầng

Có thể bạn quan tâm