Chủ tịch HoREA biện minh kiến nghị “cứu” sai phạm của Thảo Điền Sapphire

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã lên tiếng biện minh về văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị cho phần sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire được tồn tại.
Chủ tịch HoREA biện minh kiến nghị “cứu” sai phạm của Thảo Điền Sapphire

Kiến nghị dựa trên cơ sở pháp luật?

Mới đây, HoREA có công văn số 88/CV- HoREA gửi UBND TP.HCM kiến nghị thay vì cưỡng chế công trình xây sai phép thì cho phép chủ đầu tư dự án khu dân cư thấp tầng Thảo Điền Sapphire nằm trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2 được nộp phạt 50% số lợi có được từ việc xây dựng không phép (áp dụng theo khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2014).

Trao đổi với Thương Gia, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA cho biết sở dĩ gửi công văn “cứu” Thảo Điền Sapphire là căn cứ vào các quy định pháp luật liên quan đến hành lang bảo vệ sông, kênh rạch. Theo ông Châu, trong vòng 3 ngày, HoREA nhận được 2 lá đơn kêu cứu của chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần TDS. Sau đó HoREA mời chủ đầu tư đến làm việc.

Qua trình xem hồ sơ, HoREA nhận thấy mảnh đất của dự án được cấp sổ đỏ ghi 2,7ha, được giao tới mép bờ sông và ghi hình thức sử dụng riêng. Như vậy, Công ty được cấp sổ đỏ có quyền sử dụng riêng đối với diện tích này. Hơn nữa, miếng đất này một mặt giáp đường Nguyễn Văn Hưởng và một mặt giáp với sông Sài Gòn mà đường Nguyễn Văn Hưởng chỉ cách bờ sông Sài Gòn từ 20m đến 80m tùy từng vị trí của khu đất. Nếu nói TP.HCM dùng phần sát bờ sông để làm đường giao thông thì không có quy hoạch nào như vậy.

Chủ tịch HoREA cho rằng, đầu năm 2016, Công ty Cổ phần TDS đã đề nghị xin tạm sử dụng một phần hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn để xây dựng công trình phụ tại dự án Thảo Điền Saphire, Quận 2. Lúc đó, Sở QHKT cho rằng, TP đang trong quá trình sửa đổi Quyết định 150/2004 quy định về hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch nên chưa xem xét.

Ông Châu viện dẫn thêm, tháng 4/2017, TP.HCM ban hành Quyết định 22 thay thế Quyết định 150. Quyết định mới cho phép được xây dựng một số công trình tạm và chủ đầu tư phải tự tháo dỡ mà không được bồi thường khi TP thu hồi để phục vụ mục đích công cộng. Công trình khu thể dục, thể thao, phần sai phạm của TDS là hồ bơi nên cũng thuộc nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu còn cho biết, Công ty Cổ phần TDS không phải là thành viên của Hiệp hội và khẳng định việc kiến nghị của HoREA là công tâm, vô tư bảo vệ cái đúng.

Dự án Thảo Điền Sapphire vi phạm trong xây dựng khiến UBND TP.HCM có quyết định cưỡng chế và HoREA kiến nghị cho tồn tại phần vi phạm.
Dự án Thảo Điền Sapphire vi phạm trong xây dựng khiến UBND TP.HCM có quyết định cưỡng chế và HoREA kiến nghị cho tồn tại phần vi phạm.

Sở Xây dựng bác bỏ

Trước kiến nghị của HoREA, Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản số 6203/TT- Đ2 trả lời, trong đó khẳng định “Thanh tra Sở nhận thấy, Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA) đề nghị xem xét lại đơn cứu xét của Công ty Cổ phần TDS theo hướng cho phép các công trình xây dựng sai phép được tồn tại để tăng thêm tiện ích cho khu dân cư. Đồng thời, công ty TDS phải nộp lại số lợi có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép là không có cơ sở xem xét giải quyết”.

Theo phân tích của Sở Xây dựng TP.HCM: khoản 9, Điều 13, Nghị định 121 chỉ được áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc. Công trình xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tại thời điểm phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính, công ty TDS đang thi công công trình.

Bên cạnh đó, công ty này còn xây dựng công trình trên phần đất thuộc đất cây xanh, cảnh quan, đất thuộc đường kết nối nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa. Các công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch… thì không được áp dụng theo Nghị định 121 mà phải kiên quyết phá dỡ.

Liên quan đến đề nghị của Horea về việc áp dụng QĐ 22, Sở Xây dựng cho rằng, thời điểm công ty này xây dựng công trình sai phép thì QĐ 150 vẫn còn hiệu lực. Khi TP.HCM ban hành QĐ 22 thì quyết định này nêu rõ, trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ được xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng như nhóm công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

“Tuy nhiên, hệ thống hồ bơi của công ty cổ phần TDS xây dựng ngay trong khuôn viên nhà chỉ phục vụ cho lợi ích của chủ sở hữu, không phải phục vụ mục đích công cộng và nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn”, Sở Xây dựng khẳng định. Ngoài ra, Thanh tra Sở này cũng cho biết, theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, Sở này đã gửi Bộ hồ sơ vi phạm của công ty TDS. Đến nay, Thanh tra Sở cũng chưa nhận được văn bản nào khác của Bộ về việc xử lý công trình xây dựng sai phép nêu trên.

Trong khi UBND TP.HCM cho biết chủ trương xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với những sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire thì đúng lúc này, HoREA lại có kiến nghị theo hướng cho những sai phạm tại dự án này được tồn tại. Việc làm của HoREA khiến dư luận đặt ra câu đơn vị này có đi ngược lại với chủ trương của TP.HCM và có điều gì khuất tất phía sau?

Trong quá trình trao đổi với Thương Gia, ông Lê Hoàng Châu nhiều lần khẳng định việc kiến nghị của HoREA là dựa trên cơ sở pháp luật, là công tâm, vô tư bảo vệ cái đúng. Tuy nhiên qua công văn trả lời của Sở Xây dựng một lần nữa dư luận có quyền đặt thêm câu hỏi không biết do nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà HoREA đã viện dẫn chưa đầy đủ những quy định của pháp luật để kiến nghị “cứu” vụ việc đã bị cơ quan nhà nước kết luận vi phạm pháp luật.

Trọng Nghĩa

Có thể bạn quan tâm