Chủ tịch VietinBank: Xử lý nợ xấu cần nhất vẫn là cơ chế tháo gỡ

Câu chuyện xử lý nợ xấu và vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong thực hiện nhiệm vụ này đang thu hút sự quan tâm ở nghị trường Quốc hội.
Chủ tịch VietinBank: Xử lý nợ xấu cần nhất vẫn là cơ chế tháo gỡ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 25-10

 Ông đánh giá thế nào về việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua?

Nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) là các khoản nợ mà khi nền kinh tế có vấn đề từ năm 2009 đến 2011. Trước tình hình đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ năm 2011 có văn bản cho phép các doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ đối với doanh nghiệp tạm thời gặp khó khăn, theo đánh giá của NHNN có khả năng hồi phục để phát triển. Đây là giải pháp theo tôi đánh giá rất tốt.

Tiếp đó, NHNN đã trình để Chính phủ cho thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam- VAMC (thành lập theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ-PV). Thời điểm đó, VAMC thực hiện nhiệm vụ là mua nợ xấu của các NHTM nhằm 2 mục đích lớn.

Thứ nhất, đấy là một trong những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thứ hai, là tháo gỡ cho các NHTM. Bởi vì khoản nợ xấu xấp xỉ 300.000 tỷ đồng nếu để các ngân hàng tiếp tục gỡ thì sẽ ảnh hưởng đến tài chính, làm giảm nguồn lực các ngân hàng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Bởi vì hiện nay do thị trường vốn của chúng ta phát triển còn hạn chế do vậy có thể nói 80% nhu cầu vốn để kinh doanh của doanh nghiệp chính là từ ngân hàng.

Như vậy sứ mệnh của VAMC ở giai đoạn vừa qua mua nợ xấu của ngân hàng là đúng đắn.

Để xử lý hiệu quả nợ xấu hiện nay, theo ông cần có những giải pháp nào?

Các khoản nợ xấu của NHTM hiện nay còn khoảng 80%, để VAMC xử lý là rất khó khăn. Bởi hầu hết đều có vướng mắc về pháp lý, thủ tục. Do vậy, mấu chốt để xử lý là phải tạo cơ chế tháo gỡ cho các khoản nợ này, vì gắn với các khoản nợ là tài sản mà cái khó để xử lý tài sản là thiếu về tính pháp lý, do vậy rất cần sự tháo gỡ của các cơ quan, bộ, ngành.

Theo kinh nghiệm như trước đây, tôi cho rằng cần có một thông tư liên tịch của các bộ, ngành hoặc văn bản liên bộ để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, như thế mới có thể xử lý nhanh các khoản nợ xấu gắn với đó là các tài sản. Về nguồn lực (xử lý nợ xấu), tôi cho rằng cơ chế vẫn là quan trọng nhất. Nếu có cơ chế, thậm chí chúng ta không cần phải bỏ tiền ra để xử lý mà tự VAMC sẽ có cơ chế để xử lý.

Đối với hoạt động của VAMC, có hình thức, thứ nhất là mua, bán nợ xấu để hỗ trợ các ngân hàng, thứ hai là mua các khoản nợ xấu theo hình thức thương mại, tức là mua đứt. Với 2 cơ chế này tôi nghĩ VAMC sẽ tháo gỡ được khó khăn hiện nay. Qua đó giúp các ngân hàng đưa vốn tồn đọng vào phục vụ nền kinh tế.

Vậy trong các giải pháp ông vừa đề cập, đâu là mấu chốt nhất?

Tôi cho rằng vẫn là cơ chế tháo gỡ. Thực tế, nợ gắn với tài sản, ai mua nợ người ta cũng sẽ nhìn vào tài sản của khoản nợ đó. Ở đây tài sản thường là 2 dạng chủ yếu: Bất động sản và máy móc, thiết bị. Đối với máy móc thiết bị tôi cho rằng không có nhiều vướng mắc.

Nhưng bất động sản thì có rất nhiều vướng mắc, đòi hỏi sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của bộ, ngành. Có nhiều chi tiết nhỏ tôi không thể liệt kê hết, nhưng kinh nghiệm xử lý nợ xấu trước đây đã có thông tư liên tịch để xử lý (Thông tư 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Mội trường, Ngân hàng Nhà nước-PV).

Và các tổ chức tín dụng được hỗ trợ rất lớn từ sự phối hợp này. Tôi cho rằng thời điểm này cũng cần có một văn bản như vậy, trong đó thể hiện rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành khi tài sản liên quan đến trách nhiệm các bộ, ngành đó.

Ngày 24-10, thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC vào trong Luật, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng quy định của luật phải đảm bảo sự bình đẳng tương đối giữa các đối tượng. Cụ thể liên quan đến Luật Đấu giá tài sản, tôi cho rằng với VAMC là một Công ty do Chính phủ thành lập và thực hiện sứ mệnh xử lý nợ xấu, không vì mục tiêu lợi nhuận, nên trong một chừng mực nào đó VAMC cũng đảm đương được chính vai trò là một trung tâm đấu giá hoặc công ty đấu giá để thực hiện đấu giá.

Ở đây chỉ có vấn đề là các quy định cho VAMC đấu giá cái gì thì nên quy định rõ. Ví dụ, chỉ được quyền đấu giá tài sản là nợ xấu mua ở các NHTM, để hỗ trợ NHTM xử lý nợ xấu. Tôi cho rằng như thế là được. Còn những nội dung khác không thuộc phạm vi Chính phủ quy định (cho VAMC) thì VAMC phải thực hiện theo Luật.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Hải quan

Có thể bạn quan tâm