Chưa có phán quyết của Tòa vụ “Đại chiến” Vinasun - Grab

Chiều 29/10, Tòa án nhân dân TP.HCM chưa thể ra phán quyết liên quan đến vụ kiện giữa CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện đòi Công ty TNHH Grab (Grab) bồi thường thiệt hại gần 42 tỷ đồng.
Chưa có phán quyết của Tòa vụ “Đại chiến” Vinasun - Grab

Khó chứng minh thiệt hại của Vinasun

Chiều 29/10, sau 5 ngày nghị án, TAND TP.HCM mở lại phiên xét xử vụ tranh chấp giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab) bồi thường hơn 41 tỷ đồng.

HĐXX đặt nhiều câu hỏi chất vấn về tính xác thực của số tiền thiệt hại vì cho rằng tại thời điểm đó không chỉ riêng Grab hoạt động mà còn có nhiều hãng xe khác. “Thiệt hại có thể có, nhưng để chứng minh rất khó, có sự chủ quan của doanh nghiệp, khách quan của thị trường”, chủ tọa nhận định.

Sau khi hội ý, HĐXX xét nhận thấy cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan kết luận giám định mới có cơ sở phân định chính xác. Vì vậy, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng không quá 1 tháng. Phiên tòa tiếp theo dự kiến mở vào ngày 22/11.

Tháng 6/2017, Vinasun kiện Grab ra tòa. Phía nguyên đơn cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải ban hành Đề án 24 để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường. Phiên tòa đã phải tạm hoãn nhiều lần vì nhiều lý do.

Chiều 23/10, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại. 

Cùng gửi “tâm thư” lên Thủ tướng

Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiến nghị về những bất cập trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, lãnh đạo VATA đề nghị Chính phủ áp dụng phần mềm quản lý vận tải đối với cả 5 loại hình vận tải chứ không chỉ riêng 2 loại hình là xe hợp đồng và xe du lịch.

Lý giải rõ hơn vấn đề này, VATA cho rằng Luật Giao thông đường bộ quy định có 5 loại hình vận tải. Thực tế đã chứng minh, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm.

Đồng thời các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, bảo kê cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông.

Trước đó, Grab cũng gửi văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ một số ý liên quan tới Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô để thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể tại Điều 3.7 quy định: "Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên". Điều 3.2 quy định: "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải". 

Grab cho rằng các quy định nêu trên đồng nghĩa với việc xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử, và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.

Có thể bạn quan tâm