Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, giá dầu giảm hơn 1%

Chứng khoán Mỹ có diễn biến trái chiều vào thứ Tư khi thị trường gặp khó khăn trong việc xác định xu hướng rõ ràng trước hàng loạt thông tin kinh tế...

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số Dow Jones tăng 106,84 điểm (+0,25%) lên 42.635,20 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,20 điểm (+0,16%) đạt 5.918,23 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm 10,80 điểm (-0,06%) xuống 19.478,88 điểm.

8 trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều ghi nhận mức tăng, dẫn đầu là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng 0,53%.

Chỉ số Russell 200, theo dõi các công ty vốn hóa nhỏ, giảm 0,52%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến trái chiều, với Microsoft tăng 0,52%, trong khi Alphabet và Meta lần lượt giảm 0,79% và 1,16%.

Cổ phiếu eBay tăng vọt 9,86% sau khi Meta thông báo sẽ thử nghiệm hiển thị danh sách sản phẩm của eBay trên Facebook Marketplace.

Cổ phiếu trong lĩnh vực điện toán lượng tử như Rigetti Computing và IonQ lao dốc 40%, trong khi Quantum mất 39% sau khi CEO Nvidia Jensen Huang cho rằng các máy tính dựa trên công nghệ tiên tiến này còn xa thực tế tới 30 năm.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 15,86 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,29 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây. Thị trường sẽ đóng cửa vào 9/1 để tưởng niệm cựu Tổng thống mỹ Jimmy Carter.

Về khía cạnh kinh tế, biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức thận trọng trước nguy cơ áp lực lạm phát tăng trở lại vào năm 2025 do tác động từ loạt chính sách mới của chính quyền Trump 2.0.

Tâm lý thị trường cũng trở nên hoang mang hơn sau khi CNN đưa tin ông Donald Trump xem xét xây dựng chương trình thuế quan mới thông qua Đạo luật Quyền lực Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế, một đạo luật cho phép tổng thống quyền kiểm soát và quản lý hoạt động nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.

“Việc áp dụng các mức thuế quan mở rộng có thể sẽ tác động đến lạm phát. Tôi nghĩ rằng trước mắt Fed sẽ đứng ngoài quan sát để xem liệu ông Trump có thực sự triển khai các dự định đó hay không cũng như mức độ tác động đến lạm phát sẽ như thế nào”, Thomas Hayes, Chủ tịch Great Hill Capital LLC nhận định.

Hiện tại, các nhà giao dịch vẫn kỳ vọng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay sẽ vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm leo lên mức đỉnh 4,73%, mốc cao nhất kể từ ngày 25/4, trước khi giảm nhẹ xuống còn 4,677% vào cuối buổi chiều.

Các nhà đầu tư cũng đang đánh giá báo cáo việc làm quốc gia (ADP), trong đó chỉ ra rằng tăng trưởng biên chế khu vực tư nhân chậm lại đáng kể trong tháng 12, mặc dù một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ lại cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm mạnh.

GIÁ DẦU ĐI XUỐNG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1% vào thứ Tư khi đồng USD mạnh lên và lượng tồn kho nhiên liệu ở Mỹ gia tăng đáng kể trong tuần trước gây áp lực lên giá.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 89 cent, tương đương 1,16%, xuống còn 76,23 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 93 cent, tương đương 1,25%, xuống 73,32 USD/thùng.

“Thị trường đang chịu sức ép từ lượng tồn kho xăng và dầu diesel gia tăng mạnh trong vài tuần qua”, ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, cho biết. Đồng thời, ông Lipow cũng nói thêm rằng các nhà máy lọc dầu đang tiếp tục tăng cường sản xuất, từ đó dẫn đến lượng tồn kho tăng vọt.

Lượng tồn kho xăng đã tăng 6,3 triệu thùng trong tuần trước lên 237,7 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 1,5 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 6,1 triệu thùng lên 128,9 triệu thùng, khác hẳn với ước tính chỉ khoảng 600.000 thùng của các nhà phân tích.

Có thể bạn quan tâm