Chứng khoán Việt bao giờ được nâng hạng?

Trong Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường kỳ tháng 6/2020 Global Market Accessibility Review vừa công bố, MSCI hầu như giữ nguyên các đánh giá của năm 2019. Các vấn đề về room ngoại tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ MSCI.
Chứng khoán Việt bao giờ được nâng hạng?

Theo MSCI, các công ty ở một số ngành, lĩnh vực vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài; tỷ lệ sở hữu vốn ngoại vẫn vướng mắc tại nhiều nhóm ngành, cổ phiếu. Về quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin song ngữ Anh - Việt.

Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng. Về mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, hiện vẫn còn những hạn chế khi chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài.

Báo cáo của MSCI không bất ngờ đối với các thành viên trên thị trường, bởi thực tế TTCK Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chí về room ngoại và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc được MSCI bỏ đoạn “không có tổ chức bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là cơ quan bù trừ chứng khoán” là một bước tiến trong quá trình nâng hạng.

Đặc biệt, trong báo cáo đánh giá kỳ này không có thị trường nào được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi (Emerging Markets) trong kỳ này.

Việc được bỏ qua mục “không có tổ chức bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là cơ quan bù trừ chứng khoán” theo công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, Luật Chứng khoán 2019 có quy định mới về mô hình hoạt động của VSD.

Theo đó, VSD sẽ hoạt động theo mô hình Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên của VSD được bổ sung bao gồm thành viên lưu ký và thành viên bù trừ. Theo mô hình mới này sẽ có tổ chức bù trừ chính thức, chức năng hoạt động độc lập và là công ty con của VSD.

CTCK VNDirect cho rằng, để thị trường chứng khoán Việt được nâng hạng điều kiện tiên quyết là giải quyết vấn đề room đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường cũng đang kỳ vọng, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ mở ra cánh cửa nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi hầu hết các doanh nghiệp đại chúng không thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện (hoặc luật pháp quốc tế quy định có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài) sẽ được nới room “tự động” lên 100%.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung công cụ chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận các cổ phiếu hết room, góp phần giải bài toán room trong quá trình nâng hạng .

VNDirect dự báo, sớm nhất thì  Việt Nam sẽ được MSCI đưa vào danh sách rút gọn trong kỳ đánh giá phân loại thị trường vào tháng 6/2021 và có thể mất thêm 1 - 2 năm sau đó để chính thức được nâng hạng.

Đối với kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường trong thời gian tới, điểm mấu chốt cần được cải thiện là khắc phục các vấn đề liên quan đến “mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”.

Các vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài như các thông tin về doanh nghiệp và quy định pháp luật về thị trường không phải lúc nào cũng có phiên bản tiếng Anh và không được cung cấp kịp thời cùng với bản tiếng Việt... cũng cần sớm được cải thiện.

Đáng chú ý, vấn đề liên quan đến quy định phải cấp vốn trước khi được giao dịch vẫn là một trong những điểm chính khiến Việt Nam không được cả MSCI và FTSE nâng hạng.

Việc tăng cường sự xuất hiện của thông tin về doanh nghiệp bằng tiếng Anh, sự kịp thời của các thông tin này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như việc nghiên cứu cơ chế cho phép giao dịch mà không phải cấp vốn trước để phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ giúp TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Có thể bạn quan tâm