Chuyện gì sau việc "nhà nhà" quyết tâm từ bỏ DRI?

Daruco đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi DRI và kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Chuyện gì sau việc "nhà nhà" quyết tâm từ bỏ DRI?

Giá cổ phiếu đã tăng gần 75% sau hơn 3 tháng lên sàn

Vào ngày 23/5/2017, CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã: DRI), đã chào sàn UPCoM với 73,2 triệu cổ phiếu cùng giá tham chiếu là 13.300 đồng/CP. Cổ phiếu rớt “thảm” ngay phiên chào sàn, đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên, DRI mất giá gần 40% về 7.700 đồng/CP. Sau đó, cổ phiếu mới bất ngờ quay đầu vào xu thế tăng mạnh, đạt mức đỉnh vào ngày 30/08/2017 với 14.300 đồng/CP.

Bắt đầu từ 05/06 giá cổ phiếu luôn ở mức cao so với lúc đóng cửa phiên chào sàn, biến động từ trên 11.000 đồng đến 14.300 đồng/CP với khối lượng bình quân hơn 365.000 CP/ngày.

Chốt phiên giao dịch ngày 06/09, cổ phiếu ở mức 13.500 đồng/CP; như vậy sau hơn 3 tháng lên sàn, cổ phiếu DRI đã tăng hơn 75%.

Lãnh đạo và người thân quyết tâm “từ bỏ” cổ phiếu

Trong lúc giá cổ phiếu lên cao kể từ đầu tháng 6 đến nay thì cũng là quãng thời gian lãnh đạo và người thân “tranh thủ” đăng ký bán dần cổ phiếu DRI.

Từ ngày 12/06-11/07, ông Phan Thanh Tân - Thành viên BKS đã đăng ký bán ra 200.000 CP nhưng chỉ thực hiện được 120.000 CP do chưa thu xếp được việc cá nhân. Sau đó từ 27/07-25/08, ông tiếp tục đăng ký bán hết hơn 285 nghìn CP của mình nhưng cũng chỉ bán được 148.600 CP cũng do chưa thu xếp được công việc cá nhân.

Cũng từ 12/06-11/07, ông Lê Thanh Cường - Kế toán trưởng đã đăng ký bán 100.000 CP nhưng chỉ bán được 40.000 CP. Sau đó từ 14/08-12/09, ông lại đăng ký bán hết hơn 110 nghìn CP và đã hoàn toàn không còn nắm giữ cổ phiếu DRI.

Một thành viên BKS khác là ông Âu Quý Vinh đã bán toàn bộ hơn 166 nghìn CP từ 12/07-10/08. Trước đó, ông đã bán bất thành số cổ phiếu trên từ 05/06-30/06 do điều chỉnh hồ sơ lưu ký chứng khoán tại VSD bị chậm và giá cổ phiếu trên thị trường chưa đạt mức kỳ vọng.

Chưa hết, ông Nguyễn Thạc Hoành - Trưởng Ban kiểm soát cũng đã bán được 52 cổ phần trong phiên giao dịch 10/8, giảm sở hữu xuống vừa tròn 100.000 CP.

Không chỉ có lãnh đạo mà cả người thân cũng tranh thủ bán dần cổ phiếu. Cả 3 người thân của bà Nguyễn Thị Hải - Phó Tổng giám đốc, Ủy viên HĐQT đã đăng ký bán tổng cộng 79.670 CP từ 19/06-14/07 nhưng bán bất thành. Sau đó từ ngày 10/08-05/09, chồng và chị dâu của bà Hải lại đăng ký bán tiếp tổng cộng 71.670 CP. Trong đó, ông Dương Tín Đức (chồng) đã bán toàn bộ 51.670 CP còn bà Lê Thị Vân Liên (chị dâu) đã bán được 20.000 CP.

Ở một diễn biến khác, từ 05/06-30/06, 2 người thân của bà Nguyễn Kim Hoa - Ủy viên HĐQT đã đăng ký bán tổng cộng 50.000 CP. Trong đó bà Nguyễn Thị Bích Trang (em dâu) đăng ký 20.000 CP và đã bán hết số cổ phần trên, còn bà Nguyễn Ái Hương (em ruột) vẫn chưa bán được.

Do chưa bán được nên từ 31/07-24/08 bà Hương tiếp tục đăng ký bán toàn bộ 160.000 CP với mục đích tặng con gái, thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tuy nhiên số cổ phần “tặng con gái” chỉ bán được 17.600 CP.

Còn bà Trang sau khi bán được 20.000 CP tiếp tục đăng ký bán thêm 50.000 CP nhưng bất thành. Ngay sau đó, bà một lần nữa đăng ký bán toàn bộ gần 71,5 nghìn CP với mục đích “cho tặng con”, nhưng kết quả vẫn không có cổ phiếu nào khớp lệnh thành công do chưa đạt được thỏa thuận.

Đến cả công ty mẹ cũng muốn chạy

Không chỉ có lãnh đạo và người thân “từ bỏ” cổ phiếu mà ngay cả công ty mẹ là Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk (Daruco) cũng có động thái muốn thoái vốn khỏi DRI.

Theo thông báo từ công ty mẹ, Daruco đang tiến hành thủ tục thoái một phần vốn khỏi DRI. Thời gian nghiên cứu hồ sơ và đăng ký tham gia là từ ngày 21/08-01/09/2017.

DRI được thành lập theo đề án thành lập của Công ty mẹ là Dakruco từ tháng 2/2012 với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, bao gồm 3 cổ đông sáng lập là Dakruco, ông Võ Tiến Trung và bà Phan Thị Ngọc Hạnh. Tháng 7/2013, Công ty tiến hành phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên 732 tỷ đồng như hiện nay.

Tính đến 30/06/2017, Dakruco còn nắm giữ 66.6% vốn tại DRI, còn lại hơn 33% trong tay cổ đông cá nhân.

Lợi nhuận khả quan nhưng tài sản và sức khỏe tài chính đáng lo ngại

Về tình hình kinh doanh theo số liệu báo cáo tài chính của DRI thì lại khá khả quan, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2017 đạt 276 tỷ gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, DRI ghi nhận lãi ròng sau thuế 6 tháng là 83,8 tỷ đồng, khả quan hơn rất nhiều so với mức lỗ ròng 40,2 tỷ của cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ và ý kiến nhấn mạnh quan trọng về công ty.

Theo đó, tại thời điểm 30/06/2017, kiểm toán chưa thu thập được bằng chứng liên quan đến cơ sở dẫn liệu quyền và nghĩa vụ của các khoản nợ phải thu ngắn hạn của khách hàng (4,28 tỷ), phải thu ngắn hạn khác (5,58 tỷ) và tạm ứng (11,66 tỷ) với tổng số tiền là 21,5 tỷ đồng. Đây là các khoản sai sót trong quá trình triển khai dự án đầu tư phát sinh từ những năm 2012 về trước. Đồng thời đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, kiểm toán chưa đánh giá được khả năng thu hồi của các khoản nợ này trong tương lai.

Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh tại thời điểm 30/06/2017, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 103,5 tỷ đồng (đầu năm là 172,5 tỷ), yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Giả định hoạt động liên tục trong báo cáo cơ bản tùy thuộc vào việc cổ đông chiến lược tiếp tục cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm giúp Công ty có thể thanh toán các khoản nợ phải trả khi đến hạn và duy trì sự tồn tại hoạt động liên tục trong 1 tương lai có thể dự kiến trước được.

Không chỉ có BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ mà BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 và năm 2016 do công ty kiểm toán khác soát xét và kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ do chưa thu thập được bằng chứng liên quan đến cơ sở dẫn liệu quyền và nghĩa vụ của các khoản công nợ phải thu khách hàng, phải thu khác.

Theo Huy Lê/ NDH

>> Cựu chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn có “đút túi” 246 tỷ đồng?

Có thể bạn quan tâm