Chuyên gia lo ngại kinh tế thế giới sẽ “tụt áp” trong năm 2019

“Các dự án FDI mới và các dự án M&A xuyên biên giới sẽ giảm. Cụ thể, về quy mô, giá trị của các hoạt động M&A xuyên biên giới giảm khoảng 22%, tổng các dự án mới của FDI giảm khoảng 14%, kể cả mở rộng
Chuyên gia lo ngại kinh tế thế giới sẽ “tụt áp” trong năm 2019

Chuyên gia kinh tế TS.Vũ Thành Tự Anh tại Vietnam Business Outlook 2019

Đó là một phần trong bức tranh tổng quát về thương mại, sản xuất, đầu tư và dòng vốn... đang có xu hướng sụt giảm mà Việt Nam cần phải đối mặt trong năm 2019 mà TS.Vũ Thành Tự Anh, thành viên Nhóm chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời là Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM cho biết tại sự kiện “Vietnam Business Outlook 2019”  mới đây.

Nhiều rủi ro, các doanh nghiệp cần đề phòng

Tổng đầu tư toàn cầu của năm 2018 được ước tính sẽ giảm khoảng 23% so với năm 2017 -  một tỉ lệ giảm vô cùng sâu. Việt Nam cũng không ngoại lệ, mặc dù đang được coi là một điểm đến hấp của đầu tư toàn cầu, nhưng dòng vốn một khi đã được thu ngược trở lại thì tác động đến Việt Nam là rất lớn.

“Trước thềm năm mới này, sẽ có rất nhiều rủi ro ở phía trước, nếu chúng ta vẫn giữ một thái độ với tinh thần lạc quan, cộng với sức mạnh về tiềm lực kinh tế cũng như chiến lược thì sắp tới hãy cố gắng mở rộng kinh doanh vươn buồm ra biển lớn, còn nếu cảm thấy có một chút gì đó hơi “bộn chộn”, có chút gì đó “thiếu thốn”, chưa hài lòng thì hãy xem xét kỹ lưỡng và tạm gác lại các chiến lược”, TS.Vũ Thành Tự Anh khuyên.

Tại diễn đàn kinh tế thế giới 2018 (WEF), các chuyên gia lạc quan cho rằng nền kinh tế thế giới 2019 sẽ không có sự sụp đổ, mặc dù sẽ có những rủi ro để tăng lên nhưng mà độ tăng trưởng toàn cầu sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu nhìn vào một số yếu tố cụ thể, thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ giảm, lãi xuất cho vay chắc chắn sẽ tăng, giá tiêu dùng cũng có xu hướng nhích lên một chút, đấy cũng là xu thế chúng ta nhìn thấy trong nền kinh tế thế giới.

Tình trạng về suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay được coi là cái “bình thường mới”. Đứng từ góc độ thương mại, đầu tư... thì rõ ràng khu vực kinh tế quốc tế Việt Nam vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.

"Nếu tính tỷ trọng giữa thương mại và GDP Việt Nam hiện nay xấp xỉ 200%, so với các nền kinh tế lớn thì Việt Nam đang đứng top đầu về độ mở của nền kinh tế. Chính vì thế, bất kì một sự kiện gì dù lớn hay nhỏ xảy ra trên thế giới đều tác động to lớn ngay lập tức đến Việt Nam.

Giải thích thêm về cái “bình thường mới” này, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, cho hay sau thời điểm khủng hoàng kinh tế thế giới năm 2009 nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, không “gưỡng” lại được.

Nếu cách đây 15 năm tốc độ tăng trưởng trung bình thế giới trên mức 4% thì những năm gần đây tăng trưởng đạt 3,5 % đã được gọi là thành công, hay nói cách khác chúng ta phải chấp nhận một sự tăng trưởng giảm sút so với 15 năm trước đây.

Không chỉ trên thế giới mà còn xảy ra ở cả Châu Á, nhìn vào nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nếu như cách đây 10 năm mức độ tăng trưởng là 8,3% thì bây giờ còn 6,8%.

Cụ thể hơn, mức độ tăng trưởng của Trung Quốc trước đây  là 10,2% giờ còn 7,3% (năm 2016) và mấy năm trở lại đây còn 6,6 % và 6,5% và đến cuối thập niên này có thể chỉ còn 6,3% hoặc 6,2%; tương tự như thế đối với các nước Indonesia, Hàn Quốc, Singapore...

Cái “bình  thường mới”  này không phải của riêng một nước nào đó, mà “bình thường mới” này là của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cách đây 20 năm, vào những năm 90, tình hình kinh tế của Việt Nam có lúc tăng trưởng đến 9,6 – 9,7%, còn cách đây 10 năm tăng trưởng ở mức 8,5 - 8,6%.

Đến năm 2018, mức độ tăng trưởng được đánh giá là rất cao và cũng chỉ nằm ở mức 6,8 – 6,9%, có “nằm mơ” cũng khó thấy được tốc độ tăng trưởng trên 7%, thì đây gọi là cái “bình thường mới”. 

Từ tăng trưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng... “suy giảm”

Rủi ro tiềm ẩn của các nền kinh tế lớn rất lớn, có thể kể đến đầu tiên là mối quan hệ Việt – Trung, hiện nay Việt Nam có tỉ lệ nợ rất cao đối với Trung Quốc, nếu tính từ thời điểm khủng hoảng cho đến nay, tỉ lệ nợ Trung Quốc gấp bốn lần tỉ lệ nợ trước đó. Rủi ro các khoản nợ này được coi giống như là quả bom nổ chậm, bởi chúng không thông qua hệ thống ngân hàng chính thức cũng không được điều tiết.

Được biết, so với thời điểm cách đây 4 tháng, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ lên khoảng 9% và đó là một mức rất lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cũng dễ hiểu, khi Trump áp thuế tăng lên ngược lại buộc Trung Quốc phải làm rẻ đi đồng tiền của mình, nếu Trung Quốc không quản lý được tỷ giá một cách hiệu quả, thì các dòng vốn ở Trung Quốc sẽ “tháo chạy”, đó là nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế Trung Quốc bất ổn, rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Ở góc độ thương mại, một trong những yếu tố có tính quyết định tới tăng trưởng GDP toàn cầu cũng như các quốc gia chính là thương mại. Một trong những quy tắc trong thập niên 1990-2000 là tốc độ tăng trưởng thương mại thường cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng từ 2008 đến 2014 hai tốc độ này xấp xỉ nhau và những năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng thương mại thấp hơn tốc độ tăng trưởng thương mại GDP. Đây là điều mà các nhà kinh tế học rất khó lí giải, nhưng rõ ràng nó là một nhân tố quan trọng nằm đằng sau việc tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới giảm đi.

Ngoài ra, thêm một nguyên nhân làm cho tốc độ tăng trưởng giảm đi so với trước là sự gia tăng và ngày trở nên hùng mạnh của các chuỗi giá trị toàn cầu, rất nhiều những hoạt động trước đây lẽ ra thông qua xuất nhập khẩu thì bây giờ lại đi ngược lại những nước như Mỹ, Châu Âu... làm cho hoạt động xuất nhập khẩu giảm đi.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. IMF từng nhận định “tốc độ tăng trưởng thương mại rất mạnh năm 2018” trong báo cáo ngày 12/4 (lúc này cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa xảy ra), đến ngày 27/9, WTO báo cáo: “WTO đã làm giảm cái triển vọng của thương mại toàn cầu”. Điều đó có nghĩa, ngay cả những tổ chức như IMF, WTO cũng không thể nhìn nhận, dự đoán hết được những gì mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay, từ “những kì vọng tăng trưởng mạnh mẽ” cho đến bây giờ là “tăng trưởng... suy giảm!”.

“Trong vài tháng, diễn biến nó đảo chiều nhanh như vậy, thì các DN phải đặc biệt chú ý, xem thử mình bị ảnh hưởng như thế nào, ở mức độ nào để đưa ra những đối sách, chiến lược cho phù hợp”, TS.Vũ Thành Tự Anh cho hay.

Nếu nhìn vào thương mại và sản xuất công nghiệp toàn cầu, lấy 2005-2015 làm chuẩn 100 điểm trong giai đoạn cuối này, thì sản xuất công nghiệp không còn được như trước nữa còn thương mại giảm một cách rõ rệt. Tức là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, không chỉ tác động đến sản xuất mà còn tác động đến nền thương mại, tài chính mà cụ thể ở các tỉ giá dòng vốn.

Nếu nhìn vào thay đổi xuất nhập khẩu của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong vòng ba năm trở lại đây, dự báo xuất nhập khẩu thế giới sẽ giảm mạnh.

Dự báo tốc độ tăng trưởng của năm 2018 là 11,5%, giảm so với năm 2017 (13,3%), đến năm 2019 sẽ giảm còn 1,8% tức là tốc độ suy giảm rất sâu về tăng trưởng thương mại. Tương tự như thế đối với nhập khẩu, từ 12,8% năm 2018 xuống còn 5,2 % năm 2019.

Châu Á nói chung cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, mặc dù mức độ suy giảm không sâu như của thế giới. Cụ thể, từ 12% xuống còn 6% đối với xuất khẩu và từ 16% xuống 6% đối với nhập khẩu. Đây là “thời tiết” chung của toàn cầu và dĩ nhiên Việt Nam cũng có những yếu tố cá biệt không nhất thiết phải “copy” lại hoàn toàn những xu thế trên, nhưng có điểm chung là đều suy giảm, bước tiếp hay dừng lại còn dựa vào thực lực của DN đó như thế nào.

Về chính sách tiền tệ, các ngân hàng Trung ương trên thế giới như ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản... đều đã tăng lãi suất, và trong năm nay sẽ tăng lãi suất lên 4 lần, điều đó có nghĩa họ đã nhìn thấy xu thế nền kinh tế của một số nước đang tăng trưởng hơi nóng, buộc phải đẩy lãi suất lên để kiềm chế lại. Và điều này ảnh hưởng lớn đến hầu hết các DN, đặc biệt là các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi lượng hàng hóa xuất khẩu giảm dẫn đến nhu cầu tiêu dùng cũng giảm theo.

“Kể từ lúc ông Trump lên làm làm Tổng thống Mỹ đó là cú sốc lớn nhưng sau đó dòng vốn rất dồi dào và gần đây dòng vốn thuần bắt đầu chuyển sang âm, các nhà đầu tư đã nhìn thấy những rủi ro hoặc ít nhất họ lường trước được rủi ro và rút lại các hoạt động đầu tư của mình, có thể thấy đầu tư của Việt Nam đang đi xuống, và đầu tư của các nước khác trong bối cảnh này cũng đang đi xuống”, TS.Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Có thể bạn quan tâm