Chuyên gia nói gì về động thái nới room tín dụng của NHNN?

Trong những ngày đầu tháng 7, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho nhiều ngân hàng thương mại, cả các ngân hàng có vốn Nhà nước và xác định đây vẫn là mục tiêu của những tháng cuối năm. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận định về động thái này.
Chuyên gia nói gì về động thái nới room tín dụng của NHNN?

Tại Hội nghị với các địa phương đánh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 hồi đầu tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, mặc dù nhu cầu tín dụng thời gian qua, đặc biệt tháng 4-5 khá yếu nhưng đến nay tín dụng đã tăng trở lại. Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%, là mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, tháng 3 tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.

Ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng, vì vậy vừa qua đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại (NHTM), kể cả NHTM có vốn Nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân, để ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.

Định hướng từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 cũng như các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bô dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.

"NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm", Thống đốc cho biết.

Đánh giá về động thái này của NHNN, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng việc nới room tín dụng về cơ bản là cần thiết, vì NHNN đang muốn kích cầu tín dụng nhưng chỉ phù hợp với các ngân hàng đủ điều kiện tăng trưởng, kiểm soát được rủi ro nợ xấu.

TS.Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính nhận định rằng tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn nhiều so với năm trước. Trong tình trạng này, dĩ nhiên NHNN cũng muốn nới room tín dụng để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay. Vì mục tiêu năm nay GDP có thể tăng trưởng mở mức 3-4%

Nhưng nếu muốn GDP tăng 4%, thì tín dụng phải tăng trưởng ở mức 2,5 lần trên tăng trưởng GDP. Do đó, tín dụng phải tăng trưởng khoảng 10% để đạt được GDP 4%, còn nếu GDP tăng 3% thì tín dụng phải tăng ở mức 8%. Tức là, năm nay tăng trưởng tín dụng phải ở mức 8-10%.

Thế nhưng nửa đầu năm chỉ mới đi chưa được 1/3 quãng đường, do vậy áp lực trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. “Việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng mang tính khuyến khích nhiều hơn sự cần thiết thực tế, các ngân hàng có thể đã đủ room tín dụng rồi”, ông Hiếu nhận định.

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, trong thời gian dịch bệnh, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay mới mà chủ yếu là muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay cũ. Đó chính là lý do khiến tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm ở mức thấp.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại việc nới room tín dụng của NHNN cho các ngân hàng sẽ phần nào tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt hơn, từ đó tìm kiếm thêm những thị trường mới, bù đắp sự thiếu hụt do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch Covid-19.

Tất nhiên, mức room NHNN cấp thêm cho các NHTM cũng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu, năng lực giải ngân, năng lực quản lý rủi ro của ngân hàng. Quan điểm của NHNN là không hạ chuẩn cho vay, đây là điều rất quan trọng vì chắc chắn không ngân hàng nào dám đánh đổi rủi ro lớn để đổi lấy tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, các ngân hàng cũng nên cân nhắc để có thể chấp nhận mức rủi ro cao hơn một chút đối với một số dự án có khả năng phục hồi khả quan để quyết định rót vốn.

Có thể bạn quan tâm