Chuyên gia nói gì về quy định cấm cho thuê chung cư theo giờ?

Việc Bộ Xây dựng khẳng định cho thuê căn hộ chung cư theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, các chuyên gia cho rằng đây là quy định là hoàn toàn phù hợp xét cả trên cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Chuyên gia nói gì về quy định cấm cho thuê chung cư theo giờ?

Thực tế hiện nay cho thấy, tại một số thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố đang phát triển du lịch mạnh như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP.HCM..., nhiều căn hộ chung cư được người dân mua và cho thuê lại dài hạn hoặc cho thuê theo giờ, ngắn ngày như hình thức homestay ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cuộc sống của cư dân... Điển hình, vào tháng 4/2020, Công an quận 4 (TP.HCM) đã liên tiếp phát hiện nhiều nhóm đối tượng từ các địa phương khác đến thuê căn hộ chung cư cao cấp trên địa bàn TP.HCM để tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy, bay lắc và tổ chức mua bán dâm. Cử tri TP.HCM vừa kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.

Hành vi bị pháp luật nghiêm cấm

Trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Cụ thể như tại Luật Nhà ở 2014 đã quy định: Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm. Đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Ngoài ra, việc sử dụng nhà chung cư, tại Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật…

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Xây dựng quy định cụ thể tại nhiều Thông tư khác nhau.

Đơn cử như tại điểm e, khoản 1 Điều 39 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (gọi tắt là Quy chế 02) quy định các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm chấp hành nội quy, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng như có trách nhiệm thông báo kịp thời về các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tại Khoản 3, Điều 48 và Khoản 2, Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Do vậy, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần phản ánh kịp thời đến UBND cấp phường, quận nơi có nhà chung cư để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến trái chiều

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH quản lý toà nhà Việt (Vietbuilding) cho hay, quy định như vậy là hoàn toàn chính xác.

Trên thực tế, các căn hộ cho thuê theo giờ, ngắn ngày (homestay) ảnh hưởng khá lớn đến sinh hoạt của cộng đồng cư dân trong các tòa chung cư đó. Bởi lẽ, số lượng cư dân trong chung cư phù hợp với kết cấu thực tế. Các khu có homestay, người ra vào nhiều thì vấn đề an ninh trật tự, vận hành thang máy, vấn đề xã hội phát sinh rất phức tạp.

Trước đó, bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận quản lý Bất động sản Savills Hà Nội chia sẻ, việc chủ nhà gặp khó khăn trong quản lý khách thuê căn hộ và không kiểm soát được các hoạt động phạm pháp của khách thuê như thuê căn hộ nguyên căn để sử dụng ma túy tập thể, cờ bạc..., là do chưa có phương pháp quản lý vận hành phù hợp. Nếu quản lý tốt nhà cho thuê sẽ giúp chủ nhà tiết kiệm đáng kể quỹ thời gian, đồng thời tiết giảm chi phí bảo trì.

Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng cho biết, tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ đã có quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm như: sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; kinh doanh vật liệu gây cháy nổ; kinh doanh vũ trường...

Ở góc độ khác, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhìn nhận, cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày là một loại hình homestay cần khuyến khích. Chung cư có thể dùng để ở và có thể dùng cho nhiều việc khác, như cho thuê văn phòng chẳng hạn, miễn là không ảnh hưởng đến những người khác.

Bộ Xây dựng từng có những quy định như cấm căn hộ chung cư làm văn phòng, nhưng rồi cuối cùng cũng không triển khai được triệt để vì những điều quy định đưa ra không hoàn toàn phù hợp với cuộc sống.

“Du lịch homestay thực hiện ở chung cư không thể cấm được. Sự thực thì cuộc sống có những quy luật của nó, và luật pháp phải dựa vào quy luật của cuộc sống. Nếu đưa ra những quy định không phù hợp thì sẽ không thực hiện được", ông Võ nói.

Có thể bạn quan tâm